Chở hàng hoá, vật liệu cồng kềnh không che đậy xử lý như thế nào?

Chở hàng hoá, vật liệu cồng kềnh không che đậy xử lý như thế nào?

Hỏi: Trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tôi thấy nhiều xe ô tô tải chở đất cát, phế thải, vật liệu cồng kềnh nhưng không hề che đậy, không đảm bảo an toàn, rất nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên cùng tuyến đường. Tôi xin hỏi: Pháp luật có quy định thế nào về hành vi vi phạm  trên khi tham gia giao thông?

Bùi Đức Cường

(Phủ Lý, Hà Nam)

Trả lời: Nếu người điều khiển xe ô tô tải chở hàng hoá, vật liệu cồng kềnh, rất dễ rơi nhưng lại không có biện pháp che đậy, bảo vệ nào là vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường bộ và bị xử phạt theo quy định tại Điều 27 Nghị định 34/2010/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau: Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không được chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

Ngoài ra, nếu người điều khiển xe ô tô tải chở hàng hoá, vật liệu mà vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông thì bị xử lý theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị định 34/2010/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chở hàng rời, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường”.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về giao thông đường bộ bị phạt tiền thì phải nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật. Tiền phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này phải nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước và được sử dụng toàn bộ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông đường bộ (Điều 52 Nghị định 34/2010/NĐ-CP).

LS. Bùi Sinh Quyền

(Văn phòng LS Phúc Thọ -23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)