Thu phí trên QL1 sau mở rộng sẽ bị kéo dài vì công nghệ?

ANTĐ - 35 trạm thu phí không dừng trên QL1 đoạn Thanh Hóa- Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ đưa vào sử dụng. Mức phí không tăng nhưng thời gian thu phí dự kiến sẽ được kéo dài để nhà đầu tư hoàn vốn.

Hiện đại nhưng không tăng mức phí qua trạm

 Bộ GTVT cho biết, liên quan đến việc thu phí trên tuyến QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sau mở rộng, Bộ này sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) kết hợp kiểm soát tải trọng xe.

Trước mắt, Bộ GTVT giao Công ty CP TASCO và Ngân hàng BIDV triển khai thí nghiệm tại 3 trạm, Hoàng Mai, trạm Km604+700QL1 và trạm Km1813+650 trên đường Hồ Chí Minh trong tháng 3. Tháng 5 sẽ áp dụng tại 35 trạm trên 2 tuyến đường huyết mạch này.

Theo Bộ GTVT, công nghệ thu phí không dừng đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, độ chính xác lên tới 99,9%.

Để sử dụng dịch vụ thu phí tự đồng không dừng, chủ phương tiện sẽ áp được phát một thẻ định danh E- tag (miễn phí) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như nạp trực tiếp, qua mạng internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại.

Trạm thu phí Hoàng Mai sẽ được thí điểm áp dụng công nghệ thu phí không dừng

Sau khi xe được gắn thẻ E-tag chạy vào làn thu phí không dừng, hệ htoongs sẽ nhận diện xe bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống Atena sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag.

Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện, thanh chắn barrier sẽ mở tự động để xe qua, tin nhắn SMS sẽ gửi về số điện thoại đã đăng ký.

Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí tự động, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu phí một dừng - MTC. Toàn  bộ giao dịch thu phí tại trạm bao gồm ECT và MTC đều được chuyển và lưu trữ trên mạng trung tâm dữ liệu của hệ thống. Tại bất kỳ thời điểm nào, nhà đầu tư BOT hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều kiểm soát được thông tin dữ liệu này qua mạng Internet.

Theo đại diện TASCO, toàn bộ quá trình thu phí này chỉ mất từ 5-6 giây tùy theo vận tốc của xe đi vào trạm thu phí.

Bên cạnh đó, kết quả cân xe cũng được hiển thị ngay lập tức, xe chở quá tải sẽ được cảnh báo và lập danh sách chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Độ chính xác của cân tải trọng xe này được cho là chính xác tới 98%.

Tiết kiệm 2.800 tỷ đồng/năm nhờ tiết kiệm thời gian mua vé?

Theo Bộ GTVT, năm 2016 sau khi QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng sẽ có khoảng 100 trạm thu phí đưa vào hoạt động. Việc áp dụng các trạm thu phí ETC sẽ giúp tiết kiệm khoảng 3.400 tỷ đồng/năm.

Lý giải về con số tiết kiệm khủng này, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP TASCO phân tích, nếu áp dụng trạm thu phí ETC sẽ không phải mất từ 300-500 triệu đồng tiền in vé mỗi năm. Thêm vào đó, nếu thu phí MTC, xe phải dừng lại, tốn nhiêu liệu, khấu hao xe, đặc biệt, lợi ích tiết kiệm thời gian mới là rất lớn.

Phí qua trạm thu phí không dừng và một dừng tương đương nhau

“Theo tính toán, nếu thu phí MTC thì mỗi xe trung bình phải dừng lại ít nhất 3 phút, mỗi năm có khoảng 6.000 lượt xe qua các trạm thu phí trên 2 tuyến đường này. Lợi ích về mặt thời gian nếu áp dụng công nghệ thu phí ETC sẽ tiết kiệm 2.800 tỷ đồng/năm”, ông Dũng phân tích.

Bộ GTVT cho biết, phí qua làn thu phí ETC và làn thu phí MTC là tương đương nhau. Vì vậy, Bộ GTVT đang trình Chính phủ cho phép các nhà đầu tư BOT trạm thu phí được kéo dài thêm thời gian thu phí để hoàn vốn.

Tại các trạm thu phí, tùy theo lưu lượng xe lưu thông sẽ xây dựng 1-2 làn thu phí ETC bên cạnh các làn thu phí MTC.