Sinh viên thiếu sân chơi trầm trọng

(ANTĐ) - Có đến các sân vận động tại các trường, xem sinh viên chơi và cổ vũ nhau mới thấy hết được niềm đam mê, khao khát được chơi thể thao, hoạt động tập thể của sinh viên lớn đến mức nào. Nhưng hiện tại hầu hết các trường ĐH, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng thiếu sân chơi.

Sinh viên thiếu sân chơi trầm trọng

(ANTĐ) - Có đến các sân vận động tại các trường, xem sinh viên chơi và cổ vũ nhau mới thấy hết được niềm đam mê, khao khát được chơi thể thao, hoạt động tập thể của sinh viên lớn đến mức nào. Nhưng hiện tại hầu hết các trường ĐH, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng thiếu sân chơi.

Được xem, chơi thể thao là nhu cầu tất yếu của hầu hết các sinh viên
Được xem, chơi thể thao là nhu cầu tất yếu của hầu hết các sinh viên

Muốn đá bóng, phải trả tiền

Ở một số trường có diện tích hẹp như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Luật, sinh viên muốn đá bóng hoặc tổ chức các giải đấu phải đá ngay trên sân bê tông chật hẹp trước KTX hoặc đi thuê bên ngoài. Thậm chí đối với trường ĐH Luật, việc học bộ môn giáo dục thể chất cũng không thể tiến hành trong trường mà phải đi thuê địa điểm. Em Vũ Mạnh Hùng - sinh viên trường ĐH Luật than thở: “Trường chật chội quá, có mỗi sân bóng bé tẹo mà ai cũng muốn đá. Có khi  4 đội đá chung 1 sân. Muốn thuê sân ở bên ngoài, chúng em phải đặt trước 1-2 tuần bởi các cơ quan doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các giải đấu. Hơn nữa, do kinh phí có hạn, sinh viên phải thuê sân vào những giờ có ít người thuê, giá rẻ hơn như giữa trưa nắng hoặc sáng sớm. Mặc dù vậy, chúng em cũng không đủ tiền thuê sân! Do vậy, phần đông sinh viên chọn giải pháp ở lại trong phòng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên sa đà vào các tệ nạn lô đề, cờ bạc, nhậu nhẹt”...

Một số trường có sân chơi khá rộng rãi như trường ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, sinh viên  các trường này không phải lúc nào muốn là cũng được sử dụng sân do lượng sinh viên rất đông, ban ngày sân bóng hầu như không  còn trống. Do đó, các sân chơi này hầu như chỉ đáp ứng được việc tổ chức các môn học giáo dục thể chất, còn sinh viên muốn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao đều phải thuê sân...

Sân bóng thì ít, sân tennis thì nhiều

Tại một số trường có diện tích khá rộng như ĐH Công đoàn, ĐH Thủy lợi... đều có sân bóng bên cạnh sân... tennis! Vào ban ngày, đối lập với cường độ làm việc hết công suất của các sân bóng thì các sân tennis lại im lìm, gây lãng phí. Nguyễn Đức H - sinh viên trường ĐH Thủy lợi bức xúc: “Trường có sân bóng rất đẹp, được đầu tư khá lớn với mặt cỏ nhân tạo nhưng muốn vào đó chơi phải thuê tới vài trăm ngàn đồng/giờ. Trường rất đông sinh viên nam nên khi muốn đá bóng chúng em đành phải đá ở những khoảng trống nhỏ hẹp ở đầu hồi các khu KTX. Em được biết, nhà trường đã cho một công ty thuê mặt bằng để xây dựng, cải tạo và quản lý cả sân bóng và sân tennis. Điều này khiến phần đông sinh viên của trường thường xuyên phải đứng ngoài nhìn người khác chơi trên sân của mình”...

Còn tại trường ĐH Công đoàn, ngay bên cạnh sân bóng đá là 2 sân... tennis khá rộng với diện tích lên tới hàng trăm mét vuông. Một số sinh viên phàn nàn: “Mặc dù sân bóng đá đã được giao lại cho Đoàn Thanh niên trường quản lý nhưng chỉ 1 sân này không thể đáp ứng được nhu cầu của hơn 6.000 sinh viên. Chúng em không hiểu trường xây sân tennis làm gì bởi để được vào chơi ở đó phải là những người có tiền còn với sinh viên, đó là... điều không tưởng…”.

Đến một số trường có diện tích mặt bằng không rộng như Học viện Ngân hàng, Học viện Hành chính Quốc gia…, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi các trường này vẫn tận dụng phần khoảng trống vốn đã chật hẹp của mình để xây dựng sân tennis, mặc dù hiệu suất sử dụng chúng ban ngày rất thấp và đại đa số sinh viên các trường này đều không có điều kiện để chơi bộ môn thể thao quý tộc này.

Phải thu phí để duy tu, bảo dưỡng ?!

Đó là câu trả lời chung của các trường về lý do thu phí sân bãi ngoài giờ và ngày nghỉ đối với các hoạt động thể thao của sinh viên. Nói về việc tổ chức các hoạt động thể thao cho sinh viên, ông Hoàng Minh Thanh - Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên -  Học viện Ngân hàng cho biết: “Trường hiện nay có khoảng 12.000 sinh viên nhưng diện tích chỉ gần 5ha. Do đó, việc xây dựng các sân chơi cho sinh viên gặp nhiều khó khăn. Trường đã cố gắng đầu tư xây dựng các nhà tập thể thao, sân bóng chuyền, cầu lông và dành diện tích cho sân bóng đá để phục vụ các hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường. Sinh viên được sử dụng sân bóng trong các giờ học, còn ngoài giờ và các ngày nghỉ, nếu có nhu cầu các em phải trả tiền. Số tiền này để trang trải các chi phí tái tạo nâng cấp và cải tạo mặt sân”.

Ông Phạm Quang Đạt - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp - ĐH Công đoàn cho rằng: “Việc thiếu sân chơi cho sinh viên xảy ra ở hầu hết các trường chứ không riêng gì trường ĐH Công đoàn. Trước đây, trường có thu phí ở sân bóng đá để lấy kinh phí trả tiền điện, trả  lương cho lao công và bảo vệ hàng ngày cải tạo sân bãi. Song hiện nay sân đã được bàn giao cho Đoàn Thanh niên trường tự quản lý. Còn sân tennis, do kinh phí có hạn, nhà trường đã ký hợp đồng với 1 giáo viên bỏ tiền cải tạo và xây dựng 2 sân, 1 sân phục vụ nhu cầu của các giáo viên trong trường, 1 sân còn lại làm dịch vụ”. Nhưng khi được hỏi: “Liệu các khu thể thao, sân vận động của trường đã đáp ứng được nhu cầu hoạt động thể thao của sinh viên trong trường hay chưa”, ông Đạt cười: “Ngay cả sân Hàng Đẫy cũng không phục vụ đủ”!

Sinh viên là tương lai của đất nước. Song đối với mỗi sinh viên, chỉ kiến thức thôi chưa đủ, họ cần có một sức khỏe tốt để sẵn sàng cống hiến. Trước tình trạng sân chơi dành cho sinh viên ngày càng bị thu hẹp, các trường cần chú trọng đầu tư hơn nữa đến nhu cầu vui chơi, hoạt động thể thao của sinh viên. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần quan tâm tăng quỹ đất cho các trường có đông sinh viên nhưng diện tích quá chật chội...                 

Huệ Anh