Phát triển sân golf bừa bãi: Lợi ít, hại nhiều

(ANTĐ) - Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều dự án sân golf đang bị phê phán bởi gây ra không ít hệ lụy tiêu cực đối với môi trường và đời sống xã hội. Không những thế, không ít nhà đầu tư đã “lách” luật để biến sân golf thành dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn... gây nhiều bức xúc dư luận. Đó là thông tin từ Hội thảo sân golf và xây dựng xanh do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức, ngày 6-5.

Phát triển sân golf bừa bãi: Lợi ít, hại nhiều

(ANTĐ) - Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều dự án sân golf đang bị phê phán bởi gây ra không ít hệ lụy tiêu cực đối với môi trường và đời sống xã hội. Không những thế, không ít nhà đầu tư đã “lách” luật để biến sân golf thành dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn... gây nhiều bức xúc dư luận. Đó là thông tin từ Hội thảo sân golf và xây dựng xanh do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức, ngày 6-5.

Trò chơi tốn đất

GS Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, sân golf là một “trò chơi tốn đất”. Đánh giá về sự phát triển tràn lan sân golf vừa qua, GS Tôn Gia Huyên nói: “Chưa có một quy hoạch tổng thể nên việc hình thành hệ thống sân golf thể hiện tính tự phát rất rõ, phần lớn là xuất phát từ “sáng kiến” của các nhà đầu tư.

Trong số 139 dự án, chỉ có 41 được ghi rõ trong quy hoạch”. PGS.TS Nguyễn Hồng Thục và cộng sự Nguyễn Xanh thuộc Viện Nghiên cứu định cư nhất trí với nhận định này: “Hiện trạng cấp phép tràn lan 141 dự án sân golf trên cả nước với hơn 50.000 ha nhưng phần lớn “án binh bất động” hoặc dang dở là thực tế đáng báo động về sự thiếu hoạch định tổng thể”.

Chiếm đất lớn song lao động ở sân golf lại chủ yếu là lao động phổ thông.
Chiếm đất lớn song lao động ở sân golf lại chủ yếu là lao động phổ thông.

Lo ngại tác động môi trường từ mặt trái của hoạt động giải trí này, nhóm tác giả này cho biết, các sân golf thải ra môi trường “nước xám” chứa hàm lượng không nhỏ thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và hoạt động nông nghiệp. Ngoài ra, hiện nay, quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp đang có xu hướng giảm do thu hồi diện tích đất rất lớn cho một dự án sân golf.

Nhiều ảnh hưởng tiêu cực như vậy song hiệu quả kinh tế của sân golf hóa ra lại thấp hơn nhiều lĩnh vực khác. Thượng tá Phạm Mạnh Thông, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) phân tích: “Mặc dù chiếm diện tích đất lớn nhưng sân golf chỉ sử dụng khoảng từ 200 - 400 lao động cho một dự án với thu nhập khoảng 1-1,5 triệu đồng/người/tháng. Do số lao động còn lại (đã bị thu hồi đất) dư thừa rất nhiều, không có đất canh tác, sẽ dẫn đến tệ nạn xã hội phát sinh, an ninh trật tự không đảm bảo”.

Ngoài ra, việc phá rừng để triển khai dự án sân golf (như dự án sân golf hồ Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, Hoà Bình) đã gây nhiều tác hại. Dự án sân golf này đang tạm đình chỉ do chặt phá gần 3ha rừng phòng hộ và các vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường.

Biến tướng

Phân tích những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án sân golf, Thượng tá Phạm Mạnh Thông cho biết, đa số đều có vi phạm. “Phần lớn các dự án sân golf không có kho chứa phân bón riêng mà để lẫn với hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Các chất thải nguy hại không được thu gom và hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại.

Hầu hết các dự án đều không có biện pháp xử lý nước chảy tràn của bề mặt sân cỏ. Do đó, sau khi phun thuốc, hóa chất bảo dưỡng cỏ gặp nước mưa dẫn đến nguy cơ phát tán ra môi trường gây ô nhiễm” -Thượng tá Phạm Mạnh Thông nói.

Cũng theo Thượng tá Phạm Mạnh Thông, các nhà đầu tư còn áp dụng “chiêu” lợi dụng hình thức đầu tư dự án sân golf để được cấp phép với diện tích đất rất lớn (trung bình trên 200ha/dự án) và được hưởng mức thuế thấp, sau đó, sử dụng vào các mục đích khác như kinh doanh nhà hàng, biệt thự, khách sạn, bất động sản.

TS.KTS Lê Trọng Bình, Trưởng Khoa Quản lý Đô thị, Học viện Cán bộ xây dựng và đô thị cũng phê phán thực trạng chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp đa ngành trong quản lý dẫn đến sân golf biến tướng thành dự án kinh doanh bất động sản, hoặc công viên sinh thái phục vụ mục đích cá nhân, làm biến dạng hình ảnh của môn thể thao này. Về vấn đề này, GS Tôn Gia Huyên cho rằng, phải có quy chế sử dụng đất sân golf chặt chẽ để khắc phục tình trạng kinh doanh golf “trá hình” như trên.

Xử lý nghiêm dự án “lách” luật

Để đảm bảo an ninh lương thực, Thượng tá Phạm Mạnh Thông kiến nghị: “Kiên quyết không cấp phép đối với các dự án sân golf sử dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp và xem xét đối với các dự án thu hồi đất rừng. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các dự án “lách luật”, lợi dụng danh nghĩa xây dựng sân golf nhưng sử dụng vào các mục đích khác hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Phải rà soát số dự án chưa hoặc chuẩn bị triển khai, thu hồi giấy phép đối với các dự án chiếm nhiều đất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế thấp”.

PGS. TS. Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đồng tình: “Không được bố trí sân golf vào vùng đất lúa. Để bảo vệ môi trường khu vực, sân golf cũng không được bố trí ở đầu nguồn nước sinh hoạt”. T

heo ông Huỳnh Đăng Hy, Việt Nam cần có quy hoạch mạng lưới sân golf toàn quốc. Quy hoạch này phải được cụ thể hóa cho từng địa phương, tránh tình trạng sân golf phát triển tự phát, không phù hợp với yêu cầu chung, đặc biệt các sân golf chiếm đất “bờ xôi ruộng mật” như vừa qua. Đồng thời, phải có chế tài nghiêm khắc để tránh tình trạng kéo dài thời hạn thực hiện dự án tới 9-10 năm, biến thành dự án “treo” trong khi người dân không có đất canh tác.

Ngọc Khánh