Nhà trọ sinh viên: Trăm nẻo đoạn trường

(ANTĐ) - Đối với các sinh viên, bước vào mùa nhập trường đi tìm nhà trọ là “đỏ con mắt”, ai may mắn lắm mới tìm được một nhà trọ ưng ý, còn không nhiều sinh viên vẫn lao đao trong việc ở trọ. Một phần vì giá thuê quá cao, còn lại do điều kiện sinh hoạt không đảm bảo…

Nhà trọ sinh viên: Trăm nẻo đoạn trường

(ANTĐ) - Đối với các sinh viên, bước vào mùa nhập trường đi tìm nhà trọ là “đỏ con mắt”, ai may mắn lắm mới tìm được một nhà trọ ưng ý, còn không nhiều sinh viên vẫn lao đao trong việc ở trọ. Một phần vì giá thuê quá cao, còn lại do điều kiện sinh hoạt không đảm bảo…

1.001 kiểu ở trọ!

Nhà trọ cho SV thì “muôn hình vạn trạng”, có khu được xây thành nhiều phòng, mỗi phòng khoảng chừng 10m2, có khu nhà chủ tận dụng xây 2 tầng hoặc chia gác xép. Khu trọ nhỏ nhất cũng có từ 3 đến 5 phòng, nhiều khu lên đến 20-30 phòng.

Việc ở trọ cũng phong phú không kém, một số SV có điều kiện thích ở riêng biệt lập không chung đụng với người khác, số khác để yên tâm thì ở với nhà chủ hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn chọn giải pháp ở ghép…

Đi một vòng quanh các trường đại học, điều dễ nhận thấy là hầu hết nhà trọ dành cho SV đều là nhà cấp 4, được chủ nhà xây dựng từ khá lâu và một số khu đã xuống cấp, không đủ điều kiện học tập, sinh hoạt cho SV nhưng vẫn tồn tại.

Thăm một khu trọ nằm trong ngõ trên đường Nguyễn Trãi gần trường ĐH KHXH&NV. Gồm có 5 phòng, mỗi phòng chỉ vẻn vẹn hơn 6m2 mà có tới 2 người ở. Phương Thúy, quê Thái Bình, SV Khoa Du lịch trường ĐH KHXH&NV than phiền: “Em ở đây được gần một năm rồi. Nhà trọ này mỗi trận mưa to nước tràn cả vào trong phòng, mái nhà lợp ngói đã cũ dột tứ tung, chúng em phải thay nhau hứng chậu.

Nhưng khổ hơn là nước sinh hoạt, nước máy chỉ dùng cho việc nấu ăn, còn tắm giặt phải dùng nước giếng khoan cho tiết kiệm. Có khi mất nước tới mấy ngày cả xóm lại rủ nhau đi tắm nhờ. Do khu này ở gần trường nên dù chưa đảm bảo về điều kiện sinh hoạt nhưng vẫn phải cố gắng khắc phục, chứ đi tìm nhà trong thời buổi “bão giá” này chắc gì đã tìm được”.

Không chỉ có thế, một số phòng trọ chật chội tới mức chỉ kê được một chiếc giường cá nhân và để vừa thêm cái xe đạp. Chuyện ở trọ không chỉ dừng lại ở đó, Vũ Linh Ngọc tuy mới là SV năm thứ 2 của một trường đại học nhưng đã có kinh nghiệm tới 5 lần chuyển nhà trọ cho biết: “Ban đầu ở trọ cùng với nhà chủ để yên tâm học hành, ai ngờ không thể ở cùng được.

Nhiều sinh viên vẫn sống trong những khu trọ xập xệ
Nhiều sinh viên vẫn sống trong những khu trọ xập xệ

Thuê riêng một phòng trên tầng 3, nhưng mỗi lần có bạn tới chơi thì chủ nhà lại nguýt ngắn nguýt dài. Do ở tầng 3 nên hễ có ai đến muốn gặp thì chủ nhà ra thu phí 2 nghìn đồng, đây là “phí gọi”, gửi xe cũng mất 1 nghìn đồng. Tức quá em chuyển nhà khác.

Đến một khu trọ gần trường, tưởng rằng mình may mắn tìm được nhà trọ ưng ý. Nhưng ở cạnh khu trọ, có nhà cho “cave” thuê cứ tối đến là ầm ầm xe đưa xe đón, không thể tập trung vào việc học, lại phải bỏ khu đó. Khu trọ thứ 3 thì điều kiện tốt hơn nhiều, mỗi tội nhà chủ liên tục tăng giá, cứ một tháng lại có thông báo tăng tiền nhà.

Chủ nhà giở toàn độc chiêu cắt điện, cắt nước nếu ai không chịu nộp tiền nhà. Cuối cùng sau 2 lần tăng giá mình đành “khăn gói” ra đi. Những lần chuyển nhà sau thì vì lý do chủ nhà xây lại nhà mới, rồi bạn ở ghép cùng phòng trộm đồ… Đúng là giờ nghĩ lại, chặng đường thuê trọ quả là gian nan”.  

Mong muốn mở rộng ký túc xá, làng sinh viên!

Ngoài một số SV được xét đủ điều kiện ở trong ký túc xá của trường ĐH, CĐ thì số còn lại phải thuê trọ. Đối với những SV phải thuê trọ, bên cạnh điều kiện sinh hoạt thì giá cả của khu trọ cũng là điều chi phối việc thuê nhà của các SV.

Với khu trọ ở gần trường, trong nội thành thì giá cả cao hơn. Một phòng trọ ở được cho 2 người trung bình khoảng từ 500 nghìn trở lên, tại các khu ngoại thành thì giá cả mềm hơn một chút. Chỉ cần từ 300-400 nghìn đồng là có một phòng.

Tuy nhiên, có một số khu trọ chất lượng cao dành cho SV “nhà có điều kiện”, như khu nhà ở gần trường Đại học Ngoại Thương. Khu nhà được xây nhiều tầng, mỗi tầng có khoảng 4 phòng với công trình phụ khép kín. Giá của mỗi phòng rất cao từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng.

 Với những khu trọ xập xệ, không đủ điều kiện sinh hoạt sẽ làm ảnh hưởng tới học tập cũng như đời sống của các bạn SV. Việc mở rộng ký túc xá hay xây dựng nhiều hơn mô hình làng SV là điều mà nhiều SV mong muốn. 

“Mong rằng lãnh đạo, các cơ quan chức năng, Đoàn thanh niên, Hội SV các trường ĐH, CĐ, sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống của SV. Để ngày càng nhiều các khu ký túc xá, làng SV được xây đựng tạo điều kiện môi trường học tập cũng như sinh hoạt cho SV” - Trần Văn Long, sinh viên trường ĐH Bách khoa cho biết.

Nguyễn Trang