Đêm cuối năm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

ANTĐ - Hàng năm, cứ vào độ chớm đông, khi mưa phùn giăng mắc khắp các nẻo đường miền Bắc cũng là lúc năm hết Tết đến. Đã bao giờ, bạn được đón những ngày đầu tiên của năm mới trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, trong ngôi nhà của một gia đình người Mông? Dẫu cho ngôi nhà đó có ở chốn thâm sơn cùng cốc, nhưng với chúng tôi lại là nơi vô cùng ấm áp.

Đêm cuối năm trong ngôi nhà trình tường trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Chúng tôi rời  thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) vào ngày cuối cùng của năm 2012, với quyết tâm vượt qua đỉnh Tây Côn Lĩnh, nóc nhà của vùng Đông Bắc. Dẫu cho độ cao chỉ chạm ngưỡng 2.427m song để chinh phục được đỉnh núi này lại gian nan hơn việc tới được đỉnh Fansipan gấp nhiều lần. Phần bởi đây là cung đường hiểm trở, đường gãy cụt, và phần nhiều bởi quãng đường hơn 30km xuyên rừng bằng xe gắn máy trên con đường mòn rộng vừa khít một bàn chân.

Xuất phát từ khi trời còn tang tảng sáng, vậy mà chiều muộn chúng tôi mới tới được bìa rừng thuộc xã Thèng Chu Phìn, nghĩa là chúng tôi không cách nào có thể vượt rừng trong ngày được. May thay, đang loay hoay tìm cách ngược đường trở lại Ủy ban  xin ngủ nhờ thì gặp một căn nhà trình tường vừa mới cất vẫn còn thơm mùi ngai ngái của đất, của gỗ sa mộc. Anh chủ nhà người Mông nhiệt tình mời chúng tôi nghỉ lại qua đêm cùng với gia đình. Sau bữa cơm chiều đạm bạc mà đượm tình thân, bên bát trà nóng, chúng tôi khẽ khàng nhận ra bữa ấy là đêm cuối cùng của năm, 31-12. Ngồi quây quần bên bếp lửa, nghe người cha người mế họ Lý kể chuyện gốc tích dòng tộc xưa kia của mình mà lòng chúng tôi không giấu nổi niềm thích thú. Theo lời kể thì họ là hậu duệ của một nhánh nào đấy thuộc vương triều nhà Lý ngày xưa vì loạn lạc mà chạy tới đất này. Rồi trải qua hàng trăm năm sinh cơ lập nghiệp, họ chăm chỉ lam lũ tảo tần sống nơi ven rừng thưa bóng người qua, giữ đất, giữ phong tục tập quán cho dân tộc mình.

Căn nhà mới cất nên vẫn còn sơ sài lắm, ngoài cái bếp lửa ra thì trong nhà còn mỗi chiếc giường gỗ sa mộc mới đóng, chiếc cát-sét đang phát ra những điệu dân ca của người Mông. Anh chủ nhà tinh ý đứng lên tắt nhạc, chậm rãi hơ tay bên bếp lửa rồi nhẩn nha hát cho chúng tôi nghe điệu nhạc họ vẫn thường hát mỗi khi đi trỉa ngô, trồng lúa trên những kẽ đá tai mèo sắc ngọt của đất Hà Giang. Dẫu cho còn thiếu tiếng khèn Mông dìu dặt, còn thiếu tiếng kèn môi như chúng tôi thường gặp ở những phiên chợ thì bài hát vẫn không hề mất đi âm điệu duyên dáng, da diết.

Đêm đã về khuya, người vợ trẻ của anh chủ nhà trải cho chúng tôi cái ổ rơm ngay gần bếp vì sợ khách không quen với cái lạnh như cắt nơi rừng sâu. Chúng tôi dần chìm vào  giấc ngủ và tự nhủ mình sẽ chẳng bao giờ có thể quên được trải nghiệm thú vị của ngày hôm ấy.