Công nhân nghỉ việc hàng loạt vì... "đói"?

(ANTĐ) - Thu nhập thấp trong khi giá cả sinh hoạt quá cao, doanh nghiệp không có chính sách chăm lo tốt đã đẩy người lao động ra đi.

Sáng 8-6, hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH Vietnam WaCoal (Khu công nghiệp AMATA - TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã nghỉ làm tập thể để phản đối về chế độ lương thưởng, phụ cấp và kỷ luật hà khắc tại công ty thời gian gần đây. Theo phản ánh của công nhân, chế độ phụ cấp hiện nay của công ty đối với công nhân còn quá thấp, mức lương cơ bản đối với công nhân có thâm niên (trên 10 năm), chỉ 2,9-3 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, chế độ kỷ luật của Công ty Wacoal hết sức hà khắc: công nhân đi làm trễ quá 5 phút bị trừ 100% tiền chuyên cần (mức hiện nay là 200.000 đồng/tháng). Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho thấy từ đầu năm đến nay, các DN trong KCX-KCN mất hơn 30.000 lao động. Chủ yếu là lao động chuyển từ công ty này sang công ty khác hay trở về quê. Nguyên nhân vẫn là do bão giá, mọi thứ đều tăng trong khi lương công nhân không tăng hoặc tăng nhỏ giọt.

Tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, tình trạng công nhân bỏ việc cũng diễn ra thường xuyên. Theo chị Nguyễn Thị Hà, công nhân làm việc tại một công ty lắp ráp linh kiện điện tử của Nhật Bản thì lương của chị tại đây là 1,5 triệu đồng trong khi phải trang trải đủ mọi tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, nuôi con nhỏ... nên luôn hụt trước thiếu sau. Chị đã quyết định nghỉ việc về quê để xin vào các nhà máy tại địa phương: Lương có thể thấp hơn từ 200.000-300.000 đồng nhưng bù lại không phải thuê nhà, điện nước, ăn uống cũng rẻ hơn.

Chị cho biết: Tại công ty Yamaha, từ đầu năm 2011 đến nay, cũng có nhiều công nhân nộp đơn xin nghỉ việc tại nhà máy. Lý do chủ yếu vẫn là do lương công nhân quá thấp, phổ biến từ 1,6-2 triệu đồng/ tháng, rất khó khăn để người lao động trang trải cuộc sống.

Không chỉ lương thấp mà chính sách đối với công nhân tại một số công ty quá tệ đã khiến người lao động không còn muốn gắn bó. Chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân tại một doanh nghiệp cho biết công ty không có nhà ăn cho công nhân. Công ty thường xuyên buộc công nhân tăng ca đến 21h và chỉ phát cho mỗi người vài nghìn đồng để tự lo ăn tối. Vài nghìn đồng trong thời buổi này làm sao đủ ăn tối.

Vụ việc mới đây nhất là một số nhân viên của Công ty Nielsen khiếu nại, yêu cầu công ty trả đủ các chế độ BHXH, trợ cấp thôi việc. Họ đã làm việc nhiều năm nhưng không được ký hợp đồng lao động, đóng BHXH. Anh Trần Kính, một lao động nơi đây, cho biết: “Làm sao chúng tôi có thể gắn bó với công ty khi mà quyền lợi của chúng tôi không được tôn trọng?”. Hiện nay, một số lao động đang nhờ trợ giúp pháp lý để khởi kiện công ty.

Từ việc đồng lương thấp, không đủ chi tiêu đã khiến người lao động rơi vào vòng luẩn quẩn: phải tăng ca, tăng ca thì không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động nên sức khỏe giảm sút, sức khỏe giảm sút nên năng suất, chất lượng lao động không cao, chất lượng lao động thấp thì thu nhập không thể tăng.

Đại diện quyền lợi cho người lao động tại doanh nghiệp là tổ chức công đoàn. Thông qua tổ chức này, người sử dụng lao động và người lao động sẽ xây dựng được các thỏa ước lao động, tạo ra được mối liên hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động để người sử dụng lao động hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc của người lao động, kịp thời giải quyết khi có mâu thuẫn nảy sinh. Song tiếng nói của các tổ chức công đoàn tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có nhiều ý nghĩa. Vì vậy mà ông chủ doanh nghiệp quyết định mức lương nào thì người lao động phải chấp nhận mức lương đó.

Lương thấp, công nhân bỏ việc hoặc nếu làm thì trong tâm thế tạm bợ, vá víu, làm một thời gian rồi lại quay về quê. Điều đó về lâu dài sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt là tại các KCN-KCX. Nó thể hiện sự phát triển không bền vững, bấp bênh. Không có cách nào khác là các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về mức lương, hỗ trợ và tạo động lực cho người lao động yên tâm làm việc, nâng cao tay nghề chuyên môn. Có như vậy người lao động mới trụ lại, giúp doanh nghiệp ổn định nhân lực để phát triển.