Chuyển dần trẻ em ra khỏi chùa Bồ Đề

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 20-8 về kế hoạch di chuyển những người đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội), đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, dự kiến ngay trong tuần này, 34 trường hợp đầu tiên sẽ được chuyển về các Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Những trường hợp còn lại sẽ tiếp tục được chuyển đi khi phân loại xong.

Trẻ em được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Được hưởng đầy đủ chế độ nuôi dưỡng

Bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, tính đến sáng 20-8, Sở đã nhận được danh sách 34 trường hợp đầu tiên ở chùa Bồ Đề do quận Long Biên phân loại, trong đó có 1 trường hợp trẻ nhiễm HIV, còn lại là trẻ em và người già sức khỏe bình thường. Sở sẽ liên hệ với các Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố để chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận số đối tượng này về nuôi dưỡng. Theo kế hoạch, chậm nhất đến hết tháng 8, sớm nhất có thể ngay trong tuần này sẽ chuyển đợt đầu tiên, 34 người có tên trong danh sách nói trên. 

3 Trung tâm bảo trợ xã hội dự kiến sẽ tiếp nhận số đối tượng nói trên gồm: Trung tâm Giám dục lao động xã hội số 2 (tiếp nhận 1 trẻ nhiễm HIV); Trung tâm bảo trợ xã hội số 3; Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Khi được chuyển từ chùa Bồ Đề về các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố, những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội nói trên sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách nuôi dưỡng theo quy định của thành phố, mức chế độ nuôi dưỡng được hưởng thấp nhất là 700.000 đồng/ người/ tháng, cộng thêm khoản chi phí khác là 100.000 đồng/ người/ tháng. 

Tại thời điểm đoàn công tác của UBND quận Long Biên kiểm tra chùa Bồ Đề vào đầu tháng 8-2014, có 194 người ăn ở tại chùa, trong đó có 135 người là đối tượng bảo trợ xã hội. Bà Dương Tuyết Nhung cho biết, ngoài 34 trường hợp đầu tiên (đã được phân loại xong), hiện quận Long Biên phối hợp với chùa Bồ Đề đang phân loại những trường hợp còn lại để có kế hoạch phù hợp. Quan điểm là phân loại xong nhóm nào, chuyển ngay nhóm đó. Trước mắt, những trường hợp có địa chỉ liên hệ tại các địa phương sẽ được phân loại để liên hệ và chuyển về địa phương (nếu có người, cơ sở tiếp nhận). Những đối tượng là trẻ em và người lang thang chưa xác định được địa chỉ sẽ được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 để tiếp tục phân loại và đưa về nơi cư trú (trong vòng 30 ngày). Những đối tượng trẻ em bị bỏ rơi, người tàn tật không nơi nương tựa sẽ được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội số 3, số 4 và Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật…

Khuyến khích xã hội hóa 

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó hơn 1.000 trẻ đặc biệt khó khăn đã được đưa vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội công lập. Số còn lại đang được chăm sóc tại cộng đồng, ngoài chùa Bồ Đề cũng có một số tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo khác xuất phát từ thiện tâm đã đứng ra nhận nuôi dưỡng các cháu. Tuy nhiên, do các cơ sở này chưa phải là cơ sở bảo trợ xã hội, chưa hiểu biết đầy đủ về các quy định của pháp luật đối với việc nhận, chăm sóc giáo dục trẻ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội nên dẫn đến tình trạng chưa chấp hành nghiêm những quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này. 

Hiện tại, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND TP chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nắm chắc biến động số trẻ thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức nếu phát hiện trẻ bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa thì báo cáo ngay chính quyền địa phương để quyết định việc nuôi nhận. Bộ 

LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát lại tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội công và tư trên địa bàn, với những cơ sở không đủ điều kiện nuôi dưỡng theo quy định thì phải trả lại các cháu cho người thân chăm sóc hoặc chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội công lập. 

Cũng theo ông Đặng Văn Bất, để khắc phục những tồn tại hiện nay, cần khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tìm gia đình thay thế cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi để tạo điều kiện cho các em được sống trong môi trường gia đình, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội tại các xã phường, thị trấn để tham gia vào hoạt động can thiệp, trợ giúp kịp thời cho trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.