Đêm kinh hoàng trên sông Mekong

ANTĐ - Nhà chức trách 4 nước trong đó có Trung Quốc đã nhất trí hợp tác đảm bảo an ninh trên sông Mekong sau vụ sát hại 13 thủy thủ Trung Quốc hồi tháng trước.

Một trong hai tàu hàng Trung Quốc bị tấn công trên sông Mekong

Tờ China Daily cho biết, 2 tàu hàng Hua Ping và Yu Xing 8 có thể đã bị những kẻ buôn lậu ma túy bắt cóc hôm 5-10 trên sông Mekong gần “Tam giác vàng”, khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar, và là một điểm nóng về buôn bán ma túy. Vài ngày sau, thi thể của 12 thủy thủ đã được tìm thấy tại khu vực sông Mekong thuộc tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan. Đến sáng sớm 10-10, thi thể còn lại cũng được tìm thấy. Trong số 13 nạn nhân có 2 nữ đầu bếp, hầu hết đều bị trói, bịt mắt và bị bắn chết. Nhà chức trách địa phương sau đó đã thu giữ cả 2 chiếc tàu trên cùng với số ma túy trị giá 100 triệu baht (3,22 triệu USD) sau cuộc đấu súng kéo dài hơn 30 phút với những kẻ bắt cóc.

Tờ Bangkokpost dẫn lời các quan chức quân đội Thái Lan cho biết, trùm buôn lậu ma túy Nor Kham có thể đứng đằng sau vụ tấn công trên. Nhóm này đòi tiền bảo kê từ hai tàu trên nhưng bị từ chối, nên chúng đã bắt cóc rồi sát hại tất cả thủy thủ đoàn. Hai chiếc tàu sau đó được chúng sử dụng để vận chuyển lậu ma túy từ Myanmar tới Thái Lan. Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu, nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu Chính phủ Thái Lan hỗ trợ điều tra đồng thời tăng cường an ninh trên sông Mekong. Trước đó, vào tháng 4-2011, 3 tàu Trung Quốc cùng 34 thủy thủ cũng bị bọn cướp bắt cóc làm con tin trên sông Mekong ở phía Myanmar nhưng được giải cứu an toàn vài ngày sau đó.

Diễn biến mới nhất cho thấy 9 binh sĩ Thái Lan đã đầu hàng hôm 28-10 tại tỉnh Chiang Rai sau khi cảnh sát phát lệnh bắt giữ. Tất cả họ đều thuộc biên chế của lực lượng đặc nhiệm chống ma túy thuộc Bộ chỉ huy Quân khu 3, đang đóng tại khu vực “Tam giác vàng”. “Cảnh sát sẽ điều tra tất cả các binh sĩ bị bắt”, tướng Priewpan Damapong - cảnh sát trưởng Thái Lan cho hay, “Hành động của họ là không thể chấp nhận được”. Theo ông Damapong, các nghi can bị bắt làm việc theo lệnh của một số ông trùm địa phương. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thái Lan Chalerm Yubamrung cho biết, cảnh sát có “bằng chứng chắc chắn” về việc vũ khí sử dụng trong vụ tấn công được bắn từ phía Thái Lan. Tuy nhiên, ông Chalerm khẳng định, đây là hành động “mang tính cá nhân” và không liên quan gì đến quân đội Thái Lan. Những quân nhân này đã bị cảnh sát thẩm vấn và đang đối mặt với các cáo buộc giết người và làm giả bằng chứng.

Sau khi xảy ra vụ tấn công, hôm 31-10, các quan chức đến từ 4 nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Lào đã cam kết tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh trên con sông dài nhất Đông Nam Á này. “Tình trạng buôn lậu ma túy và vũ khí lan tràn trên sông Mekong trong những năm gần đây và các hoạt động tội phạm như tống tiền và cướp có vũ trang xảy ra thường xuyên, gây nguy hiểm cho hoạt động đường thủy”, Bộ Công an Trung Quốc cho hay. Theo thỏa thuận mới đạt được, các quốc gia sẽ chia sẻ thông tin tình báo, tuần tra và thực thi pháp luật trên sông Mekong nhằm tiêu diệt các tổ chức tội phạm đe dọa an ninh khu vực. Ông Song Qingrun, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, gọi cơ chế an ninh trên là một bước đột phá. “Nó sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các thủy thủ ở 4 quốc gia”, ông Song nói.