Về làng Chuông, gặp nghệ nhân bát thập làm nón quai thao

ANTĐ - Với hơn một trăm năm nghề, làng Chuông là nơi lưu giữ những nét đẹp của nón lá Việt Nam.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km về phía Tây, làng Chuông (xã Phương Chung – Huyện Thanh Oai), từ cả trăm năm nay đã nổi tiếng với nghề làm nón lâu đời. Nghề làm nón không giàu nhưng đủ sống, hợp với vùng quê nghèo lam lũng, chuyên cày sâu cuốc đất. 

Cổng làng Chuông

Làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chớp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Xưa kia, nón làng Chuông được làm để dâng hoàng hậu và công chúa, các cung tần, mỹ nữ trong cung và cho binh lính ..  bởi nó mang một vẻ đẹp riêng vốn có, được làm bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân trong làng. Ngày nay nón làng Chuông có mặt ở khắp mọi nơi, trên mọi nẻo đường, là món quà mà bất kỳ khách du lịch nào đến với Việt Nam nói chung và đến với làng Chuông nói riêng đều muốn sở hữu chiếc nón lá xinh xắn và bền đẹp.

Với gần 4000 hộ dân ở đây mỗi ngày trung bình làng Chuông làm được hơn 5000 chiếc nón, mang tiêu thụ ở khắp các tỉnh trong nước, và xuất khẩu cả nước ngoài như Anh, Tiệp Khắc, Singapore… Nguyên liệu chính là lá nón được nhập từ Phú Thọ, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…. Giá nón thành phẩm khoảng15 – 20.000đ/ một chiếc, trừ chi phí nguyên liệu đầu vào, tính trung bình cả gia đình cùng làm thì một ngày cũng chỉ được từ 20 – 30.000đ.

Để có được chiếc nón đẹp và bền trên tay, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn lá, sau khi mua về, lá được vò trong cát rồi đem phơi hai đến ba nắng cho đến khi lá chuyển từ màu xanh sang màu bạc trắng. Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết cho thật nhanh sao cho lá phẳng mà không bị giòn, không bị nát. Vòng nón làm bằng cât nứa được vót nhỏ và tròn đặc biệt là phải thật đều, bởi nếu vót không đều vòng sẽ không được tròn và chiếc nón cũng mất đi vẻ đẹp của nó. Khi nối bắt buộc vòng nón phải tròn và không có vết nối, nếu để lộ vết nối chiếc nón sẽ thô và trông cứng. Khác với những chiếc nón thông thường có 20 lớp vòng, nón làng Chuông có 16 lớp vòng vừa giúp cho nón được bền và chắc vừa giữ được sự mềm mại của chiếc nón.

Tiếp theo đó, người thợ xếp từng lớp lá vào trong vòng nón, có ba lớp lá  một lớp lá lót, một lớp lá mo tre và một lớp lá cọ rồi khâu, Khâu là một công đoạn rất khó, bởi nếu không khéo thì lá sẽ bị rách vì vậy chỉ có những bàn tay khéo léo, mềm mại những người có kinh nghiệm mới làm được. Sau khi chiếc nón được hoàn thành người thợ hơ chiếc nón qua hơi diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng muốt và không bị mốc.

Nón lá làng Chuông

Nghề làm nón xuất phát từ đâu và có từ khi nào thì không ai biết, chỉ biết rằng nghề nón phát triển mạnh mẽ nhờ vào ông Hai Cát – một nghệ nhân làm nón trong làng, là người có công mang nón Ba Đồn về thay thế cho nón cổ.

Nghề nón được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là những người phụ nữ có bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ, cần cù, nhẫn lại.. đã tạo nên những chiếc nón bền đẹp và xinh xắn. Ở làng Chuông các em nhỏ được làm nón từ khi còn 10 tuổi với các công việc nhỏ nhặt như phơi lá, tước lá, lớn lên một chút tầm mười tám đôi mươi đã có thể tự làm thành những chiếc nón hoàn chỉnh.

Hiện tại trong làng chỉ còn hai nghệ nhân làm nón là ông Lê Văn Tuy làm nón chóp và cụ Phạm Trần Canh làm nón ba tầm hay còn gọi là nón quai thao.

Cụ Canh làm nón từ khi lên 7 tuổi, năm nay cụ đã ngoài 80, nói: “Cái nghề này nó tỉ mẩn lắm, làm nón mà suốt ruột thì không làm được. Trung bình cụ làm mất 4 ngày cho một chiếc nón to và 2 ngày cho một chiếc nón nhỏ, nón quai thao xuất đi có giá từ 80 đến 130 nghìn một chiếc". Các sản phẩm cụ làm ra được xuất theo đơn đặt hàng của các đoàn văn công các tỉnh, và được trưng bày tại các triển lãm trong và ngoài nước.

Cụ Phạm Trần Canh nghệ nhân làm nón làng Chuông đang chăm chú từng
 mũi khâu cho chiếc nón quai thao

Chợ làng Chuông họp 6 phiên chính/tháng vào các ngày mồng 5, 10, 14, 20, 24 và 30.  Điều đặc biệt của phiên chợ này là chỉ bày bán một mặt hàng duy nhất là nón và các nguyên liệu để làm nón.

Cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, nhiều làng nghề truyền thống không còn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó, vẻ đẹp ấy bị phai mờ đi theo năm tháng. Về với làng Chuông hôm nay tuy số người làm nón trong làng không còn nhiều như xưa, nhưng với tình yêu dành cho quê hương và niềm tự hào về một làng nghề truyền thống cổ của Việt Nam, làng Chuông nói chung và các bà, các chị nói riêng, những người nghệ nhân hết mình vì sự lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương vẫn đang ngày ngày cần mẫn, tỉ mỉ làm nên những chiếc nón mang đậm nét đẹp hồn quê.