Viết bên cây cầu của niềm tin thống nhất

ANTĐ - Có lẽ với mỗi người là con dân đất Việt khi nhắc tới Hiền Lương hay Bến Hải đều cảm thấy cái tên này đã quen với mình từ lâu lắm, bởi đó là chứng nhân còn lại của chiến tranh mà không ai mong muốn. Những ngày mùa thu cách mạng này, chúng tôi dừng chân bên cầu Hiền Lương, để nghe lại tiếng trở mình của đất, của dòng sông một thời bị chia cắt năm nào từ chính những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Chứng tích của thời bom đạn

Có lẽ với nhiều người, cầu Hiền Lương hiện tại chỉ đơn thuần là một cây cầu của lịch sử, với những số liệu khô khan về nhịp, về độ dài hay về màu sắc lạ lẫm nhất nửa vàng nửa xanh, nhưng với những con người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này thì đó không chỉ đơn thuần là một cây cầu, mà đó còn là chứng tích của nỗi đau chia cắt. Khoảng thời gian 21 năm đâu phải là ngắn ngủi. Khi đã có biết bao cuộc đời kết thúc ở hai bên cầu Hiền Lương, hai bên bờ Hiền Lương này. Biết bao mái đầu trắng khăn tang và cả những mái đầu bạc, cả những đôi mắt trẻ thơ khóc mềm đi vì đợi chờ khắc khoải, biết bao số phận trở nên bi thảm, bao tuổi trẻ và cả tuổi thơ phải chịu những mất mát, thì bao nhiêu ngôn từ cũng là không đủ để nói lên tất cả những nỗi đau này. Nghe thoang thoảng lời từ trong gió, rằng chẳng có mảnh đất nào trên dải đất hình chữ S này nhiều đau thương đến thế, và cũng chẳng có miền đất nào mà chỉ trong phạm vi vài chục cây số vuông lại có lắm thơ ca, nhạc họa, phim và đủ các loại hình nghệ thuật phản ánh đến thế. Chỉ bởi vì đó là mảnh đất mà cái chết và sự sinh tồn chỉ được tính bằng giây, bằng phút, bằng sự kiên cường bất khuất của những con người kiên trung nhất.

Bên bờ Hiền Lương cách đây đúng 70 năm, nơi đã xuất hiện những lời hẹn. Ai ngờ đâu, lời ước hẹn hai năm đoàn tụ bỗng phải dằng dẵng mấy mươi năm. Để sông Bến Hải dùng dằng bên nhớ, bên thương oằn mình chịu bom đạn quân thù. Vợ bên nớ, chồng bên ni vò võ mong chờ, thương nhớ nhau. Cây cầu nhỏ thôi mà đã gánh trên vai suốt cả một chặng sử dài oanh liệt. Khúc sông vỏn vẹn chưa đầy 100m. Cầu bắc qua giới tuyến dài 178m với 894 tấm ván mà bây giờ chỉ mất vài phút bộ hành là có thể đi qua, vậy mà cả dân tộc ta đã ròng rã mấy ngàn ngày mới nối được đôi bờ. 21 năm để thống nhất được đôi bờ, để những người vợ chờ chồng được đoàn viên, để những người mẹ đợi con được thấy hình hài. Nhưng cũng có người chẳng trở về, cũng có người gửi lại phần xương thịt ở đâu đó rất xa. 21 năm cho ngày độc lập thống nhất, tưởng chỉ đơn giản nhưng lại quá nhiều cho mất mát.

Những ngày này, đứng bên cầu Hiền Lương chúng tôi lại nghe kể về những đêm vượt sông giữa mưa bom bão đạn, nghe kể về những người vá cờ như mẹ Diệm, mẹ Sang và rất nhiều người phụ nữ khác, nghe kể về những người lính từng đứng gác bên cầu nơi họng  súng luôn nhắm vào tim mà chưa bao giờ chùn bước, và cả những điệu ru con ơ ầu vang lên trong xóm nhỏ thanh bình đến lạ giữa khoảnh khắc chiến tranh đầy kinh hoàng đó. Để thấy được con người ở đôi bờ sông này bất khuất đến chừng nào.

Cây cầu của niềm tin thống nhất

Bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng đạn bom dội xuống vùng đất này, sau bao nhiêu lần cây cầu bị đánh sập rồi được dựng lại, bao nhiêu lần lá cờ trên kỳ đài rách tươm vì đạn phía bên kia bắn tới, một khung cảnh yên bình đã diễn ra. Đứng bên cầu ngắm nhìn dòng sông Bến Hải trong xanh, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá, nghe câu hò Quảng Trị ngọt ngào và đầy xúc động. Những cụm di tích lịch sử nổi tiếng như: nhà Liên Hiệp, đồn công an giới tuyến, hệ thống lô cốt của Mỹ Diệm ở bờ nam Bến Hải, tượng đài khát vọng thống nhất đất nước, nhà bảo tàng… vẫn đứng đó sừng sững như chứng tích của một thời gian chia cắt. Những người trẻ tuổi chưa một lần biết đến đạn bom vẫn thường đến đây, những người đã từng chiến đấu ở vùng đất này cũng vẫn thường đến đây, thường leo lên mặt cầu để chụp ảnh lưu niệm và nhắc nhớ lại khoảng thời gian ngày xưa cũ. Dưới chân cầu vẫn cỏ dại xanh mơn, hoa xuyến chi bình thản nở êm đềm, dòng nước hiền hòa trôi chảy lặng lẽ ra phía Biển Đông. Có lẽ với mỗi người, khi đặt chân lên chiếc cầu lịch sử, tiếng chân bước trên cầu khe khẽ, gió lay cỏ cây và không gian thanh bình. Bước chân chạm lên cầu Hiền Lương một lần trong hành trình thiên lý Bắc Nam là điều không thể bỏ qua với bất cứ người Việt nào được tận hưởng cuộc sống thanh bình, thống nhất đất nước bây giờ.

Một điều đáng mừng là đôi bờ Hiền Lương nay đang thay da đổi thịt trong cuộc sống mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi dọc bờ sông Bến Hải, qua các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là vùng nuôi tôm trù phú. Đêm đêm, dưới ánh đèn điện, nước tung bọt trắng xóa từ những máy sục khí quay đều ở hồ nuôi tôm. Bà con tính chuyện làm giàu. Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải là những nông trường cao su, hồ tiêu xanh mướt. Chỉ riêng cây cao su đóng góp một nửa tổng thu ngân sách toàn huyện Vĩnh Linh, góp phần quan trọng cho huyện này trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Cây cầu mới đã được xây dựng để thông thương hàng hóa trên con đường huyết mạch quốc lộ 1A, cây cầu cũ vẫn giữ nguyên dáng vẻ năm nào của 21 năm lửa khói. Trong sự đổi thay đến ngỡ ngàng của vùng đất này, người dân vẫn dành một mảng riêng của đời sống để nhớ về lịch sử truyền thống, các di tích chiến tranh cách mạng luôn luôn được người dân trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước nâng niu, trân trọng, cảm phục.