Nội thành đối phó ngập, ngoại thành gặt chạy lúa

ANTĐ - Chiều nay 30-9, BCH PCLB Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã đưa ra các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn TP do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5. Theo đó, BCH PCL TP cũng đưa ra các giải pháp, ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cây cổ thụ chắn ngang phố Hòa Mã

Ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, từ ngày 29-9, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra mưa diện rộng. Tuy nhiên, lượng mưa nhỏ, phổ biến khoảng 8mm.

Tính đến chiều tối qua, theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thiệt hại do bão số 5 gây ra đã làm 16 cây xanh đổ gãy, cây nhỏ nhất có đường kính 25cm, cây to nhất đường kính là 40cm.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi lưu ý việc vận hành trạm bơm Thanh Liệt, giữa mực nước trong - ngoài và cửa AB hồ Tây liên quan giữa Nghĩa Đô và sông Nhuệ. Ngoài việc quan tâm đối phó úng ngập phải có phương án  dự phòng mất điện, ngập úng ở khu vực trạm bơm để vận hành tối đa. Lực lượng CSGT và Thanh tra GT phân luồng, hướng dẫn giao thông vào những giờ cao điểm, chỗ úng ngập.

Còn tại các huyện ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, hầu hết các huyện đều còn từ 90-100% diện tích lúa chưa gặt.  Trong khi đó, các hồ đã đạt ngưỡng trên, nếu mưa lớn cùng với nước thượng nguồn dồn về sẽ rất nguy hiểm cho hồ đập. Đối phó với tình huống này, đồng chí Nguyễn Thế Thảo yêu cầu phải vận hành xả ngầm, các hồ, đập phải vận hành theo đúng cơ chế đã quy định. Bởi, theo dự báo, ngày 2-10, sẽ có đợt không khí lạnh tràn xuống, gây mưa nhiều hơn. Các huyện chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội, thanh niên… hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, hạn chế tối đa thiệt hại. “Chuẩn bị với tinh thần cao nhất để ứng phó với mưa có thể dẫn đến ngập úng cục bộ ở những điểm nút giao thông, khu dân cư cũ”, Chủ tịch UBND TP đề nghị. Tại các điểm có khả năng úng ngập, phải chuẩn bị phương tiện dự phòng như xe buýt để đưa người dân qua, những hố ga mất nắp phải cử người ứng trực.

Cũng trong sáng nay, đồng chí Nguyễn Thế Thảo đã đi kiểm tra tình hình bơm tiêu nước tại nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và cụm công trình đầu mối Yên Sở.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở dự kiến đưa vào hoạt động cuối tháng 3-2012, với công suất 200.000m3/ngày đêm. Công trình này sẽ xử lý nước thải cho 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, toàn bộ nước thải hiện vẫn thải ra sông Kim Ngưu và sông Sét sẽ được thu gom đưa về đây để xử lý.

Trạm bơm Yên Sở hiện đã hoàn thành giai đoạn 2 với tổng công suất là 90m3/s. Nước tại hồ Yên Sở cũng đã rút về mức nước đệm, sẵn sàng bơm tiêu nếu trường hợp xấu xảy ra. Hiện theo ông Dục, đáng lo ngại nhất là 3 điểm đen tại đường Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến và ngã năm Bà Triệu, do cốt nền quá thấp. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, mặc dù trạm  bơm Yên Sở đã hoàn thành giai đoạn 2 nhưng nếu mưa dồn xuống một thời điểm vẫn gây úng ngập cục bộ. Do đó, phải vận hành linh hoạt hệ thống các sông Nhuệ, Tô Lịch…