Thủ tướng Yingluck: “Tôi sẵn sàng từ chức nếu đó là yêu cầu hợp Hiến”

ANTĐ - Sáng 2-12, các cuộc đụng độ mới đã diễn ra giữa lực lượng cảnh sát và hàng ngàn người biểu tình của phe đối lập yêu cầu Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức.

Bà Yingluck đã bác bỏ yêu cầu từ chức và thay thế chính phủ bằng “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử của phe đối lập. Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ hôm 30-11, Bà cho biết, yêu cầu của lực lượng biểu tình nhằm giải tán Quốc hội và thiết lập “Hội đồng nhân dân” là không thể chấp nhận được, nhưng bà vẫn mở của cho các cuộc đàm phán.

Nữ Thủ tướng Thái Lan cho biết thêm, yêu cầu của phe đối lập là sự vi phạm trắng trợn Hiến pháp của Thái Lan nên bà sẽ không bao giờ thực hiện. “Bất kể điều gì tôi khiến nhân dân hạnh phúc tôi đều có thể chấp nhận, nhưng là Thủ tướng, những việc tôi làm đều phải tuân thủ theo Hiến pháp”.

Thủ tướng Yingluck: “Tôi sẵn sàng từ chức nếu đó là yêu cầu hợp Hiến” ảnh 1

Cảnh sát Thái Lan bảo vệ tòa nhà Quốc hội


Đêm 1-12, bà Yingluck Shinawatra đã gặp trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban. Cựu thủ tướng phe đối lập đã đưa ra tối hậu thư, yêu cầu bà phải từ chức trong “2 ngày” tới. Thêm vào đó, ông này còn nhắc lại lời kêu gọi các cuộc tấn công vào những trụ sở công quyền hôm thứ hai vừa qua.

Trong khi đó, Cảnh sát đã phải dùng hơi cay, vòi rồng, đạn cao su để bảo vệ trụ sở của chính phủ, nơi vốn được bao vệ rất nghiêm ngặt, bao quanh là các khối bê tông và các cuộn dây thép gai. Ngược lại, những người biểu tình đã ném tất cả những gì trong tay về phía cảnh sát. Hàng ngàn người cố gắng trèo qua chướng ngại vật để vào tòa nhà Chính phủ, trụ sở nội các. Xung đột cũng đã diễn ra tại trụ sở cảnh sát Metropolitan, họ đã phải bắn rất nhiều hơi cay để giải tán đám đông. 6 trường  Đại học và 32 trường công ở Bangkok phải đóng cửa vì lý do an ninh.

Thủ tướng Yingluck: “Tôi sẵn sàng từ chức nếu đó là yêu cầu hợp Hiến” ảnh 2

Đây là đợt khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010


Thái Lan đã chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình mà mới gần đây nhất là cuộc đảo chính nhằm lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006. Nhưng lần này, dường như quân đội không muốn can thiệp vào cuộc khủng hoảng. “Quân đội sẽ có quan điểm trung lập và tôi biết họ muốn nhìn thấy đất nước yên bình”, bà Yingluck cho biết. Mục đích trước mắt của bà là tìm lại “hòa bình” tại các con phố bất ổn ở thủ đô, đồng thời cam kết “cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực chống lại người dân”.

Theo cảnh sát, hôm 1-12, có khoảng 70.000 người biểu tình có mặt tại thủ đô Bangkok, và 4 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Đây là đợt khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Thái Lan kể từ các cuộc biểu tình năm 2010, vốn khiến 90 người thiệt mạng trong các cuộc bạo lực.