Thái Lan: Điều gì xảy ra nếu chính phủ không hoãn cuộc bầu cử?

ANTĐ - Tòa án hiến pháp Thái Lan ra phán quyết cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vào ngày 2-2 tới có thể được hoãn lại một cách hợp pháp. Tuy nhiên, bất kỳ sự trì hoãn nào cũng phải có sự đồng ý của cả thủ tướng Yingluck và ủy ban bầu cử.

Ủy ban bầu cử và đảng Dân chủ đối lập kêu gọi chính phủ trì hoãn cuộc bầu cử vì cho rằng tình trạng bất ổn hiện nay khiến tiến trình bầu cử tự do, công bằng trở nên khó khăn. Còn chính phủ khẳng định, không có cơ sở pháp lý nào để trì hoãn vì theo hiến pháp, phải tiến hành một cuộc bầu cử sau khi giải tán quốc hội được 40 - 60 ngày nên cuộc bầu cử phải thực hiện theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, theo tin điện của phóng viên BBC Jonathan Head tại Bangkok, chính phủ Thái Lan cho biết, tòa án hiến pháp đang cân nhắc đề nghị của ủy ban bầu cử đề xuất với chính phủ. Sau đó đề xuất này sẽ được đệ trình lên vua Bhumibol Adulyadej để được thông qua. Tiến trình này phải được hoàn tất trước vòng bỏ phiếu cấp cao diễn ra vào chủ nhật này.

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu ủy ban bầu cử có thuyết phục được chính phủ đồng ý với kế hoạch hoãn bầu cử của mình hay không?

Ông Somchai Srisuthiyakorn - ủy viên hội đồng bầu cử tiết lộ với phóng viên hãng tin Anh Reuters: “Chúng tôi sẽ có cuộc gặp với thủ tướng và nội các của bà hôm thứ hai để thảo luận về một ngày bầu cử mới, nếu chính phủ không đồng ý trì hoãn thì cuộc bầu cử vẫn được diễn ra”.

Đảng Pheu Thái của thủ tướng Yingluck giành được sự ủng hộ của rất nhiều cử tri, đặc biệt là dân nghèo nông thôn. Theo cuộc thăm dò, đảng này có khả năng giành chiến thắng cao trong cuộc bầu cử sắp tới. Chính vì lí do đó, phe đối lập tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử mà họ biết trước là sẽ thua.

Hôm 21-1, chính phủ Thái Lan đã đưa ra sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày tại Bangkok và ba tỉnh lân cận. Sắc lệnh cho phép chính phủ dùng quyền lực để kiểm soát đám đông, kiểm duyệt các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, việc thực thi chưa đưa thực hiện một cách quyết liệt.

Mặc dù những người ủng hộ chính phủ Thái Lan ở cách xa những khu vực biểu tình nhưng các nhà quan sát nhận định bạo lực có thể tiếp tục xảy ra nếu phe đối lập có những hành động trắng trợn uy hiếp chính phủ khiến cho những người thuộc "phe áo đỏ" quyết định xuống đường.

Có ít nhất 9 người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng phản đối bắt đầu vào năm 2013. Cả hai phe gồm những người ủng hộ chính phủ và những người biểu tình đã đổ lỗi cho nhau khi bạo lực bùng phát.

Trong khi đó, bà Yingluck đang bị cơ quan chống tham nhũng điều tra do nghi ngờ bà có liên quan đến chương trình hỗ trợ lúa gạo gây tranh cãi. Nếu bị quy trách nhiệm, đây có thể là một động thái buộc bà phải từ bỏ chính trị.