Anh "lo lắng" cho Hong Kong, Trung Quốc "tức tối ra mặt"

ANTĐ - Chính phủ Anh đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình ở Hong Kong, sau khi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ biểu tình diễn ra liên tiếp vào hôm 28 và 29/9.

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Anh hôm 28/9 cho biết: "Chính phủ Anh đang vô cùng lo ngại về tình hình ở Hong Kong và theo dõi các sự kiện một cách cẩn thận. Bởi đây là vị trí lâu đời của Anh, sự thịnh vượng và an ninh của Hong Kong nên được củng cố bằng các quyền cơ bản và quyền tự do của nó, trong đó có quyền được biểu tình”.

Bộ Ngoại giao Anh cũng nhấn mạnh: "Điều quan trọng là quyền lợi của Hong Kong được bảo vệ và người dân Hong Kong được thực hiện quyền của mình trong một hệ thống bảo hộ của luật pháp”.

Ngay lập tức, chính phủ Trung Quốc đã phản ứng giận dữ trước mối quan tâm quốc tế đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng: "Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ của chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào sử dụng phương pháp nào để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Người biểu tình đã phải sử dụng ô, đeo kính và trùm kín mặt để chống lại hơi cay từ phía cảnh sát


Hồng Kông là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, với cơ quan lập pháp, và tư pháp điều hành riêng biệt. Nó là thuộc địa cũ của Anh, đã được trao trả lại cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997. Trước khi bàn giao, Trung Quốc và Anh ký thỏa thuận cho Hong Kong được nắm quyền tự chủ trong 50 năm, sau khi trở về với Trung Quốc. Điều này được ghi nhận là một nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" trong tài liệu hiến pháp Luật Cơ bản.

Theo tài liệu này, Hong Kong sẽ có một mức độ tự chủ cao và được bảo đảm một số quyền tự do cơ bản, trong đó có quyền biểu tình ôn hòa. Mặt khác, đặc khu này cũng được phép tự duy trì hệ thống kinh tế, xã hội của mình và hướng tới cuộc bầu cử dân chủ theo cơ chế "một quốc gia, hai chế độ" đã quy định trước đó. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ quyết tất cả những đề xuất thay đổi chính trị từ phía Hong Kong, và bị tố là kiểm soát việc sắp đặt các ứng cử viên vào cuộc bầu cử trong năm 2017 tới.

Động thái này của Bắc Kinh đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ dân chúng Hong Kong. Hàng ngàn người, trong đó đa phần là học sinh sinh viên đã tập trung tại trung tâm thành phố biểu tình đòi quyền dân chủ. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất kể từ khi Hong Kong được bàn giao về Trung Quốc năm 1997.

Hiện tại, các cuộc biểu tình vẫn chưa hề giảm nhiệt, hàng ngàn người vẫn tập trung trước trung tâm chính quyền thành phố, bất chấp nỗ lực của cảnh sát để hạn chế số lượng người tham gia bằng cách chặn các tuyến đường vào khu vực và kêu gọi mọi người trở về nhà. Nhóm Chiếm trung tâm, đứng đầu cuộc biểu tình đã cáo buộc cảnh sát là “lực lượng không cần thiết", khi sử dụng bình xịt hơi cay, dùi cui điện để giải tán đám đông mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo trước nào.