Nhật Bản mạnh tay với xã hội đen

ANTĐ - Là nước duy nhất trên thế giới coi sự tồn tại của các băng đảng xã hội đen là hợp pháp, Nhật Bản giờ đây lại quay ra đánh mạnh các tổ chức này. Một trong số các băng đảng bị “chĩa mũi dùi” nhiều nhất là Yamaguchi-gumi, tổ chức xã hội đen khét tiếng.

Các thành viên Yamaguchi trong tang lễ của một “ông trùm” chi nhánh

Giai đoạn khó khăn 

Ngày 22-10 vừa qua, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ Ayumu Ugajin, 42 tuổi, một thành viên của Yamaguchi-gumi, ở Sanya với cáo buộc tổ chức đánh bạc thông qua cá cược đua thuyền. Điều tra của cảnh sát cho thấy, Ugajin đã tổ chức đánh bạc trái phép trong suốt 4 năm qua và thu được khoảng 115 triệu yên, phần lớn trong số này được chuyển về Yamaguchi-gumi.

Trước đó, ngày 5-10, tòa án Tokyo cũng đã yêu cầu người đứng đầu Yamaguchi-gumi, Shinobu Tsukasa, hay còn gọi là Kenichi Shinoda phải trả 110 triệu yên tiền bồi thường cho cái chết của Kazuoki Nozaki, một nạn nhân của tổ chức này. Kazuoki Nozaki là một nhà tư vấn bất động sản, bị ám sát năm 2006 bởi Hideya Matsumoto, một thành viên Yamaguchi-gumi, kẻ đã bị cáo buộc tội giết người trong một phiên tòa diễn ra tháng 10-2011. Lúc đó, “ông trùm” Kenichi Shinoda vừa mãn hạn sau gần 6 năm ngồi tù.

Đây thực sự là thời điểm khó khăn đối với Yamaguchi-gumi, nhất là khi nó còn chưa “hồi phục” lại hoàn toàn sau những sóng gió vì án tù của “ông trùm”. Ngày 23-2-2012, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố đóng băng tài khoản của tổ chức này cũng như tài sản tại Mỹ của 2 nhân vật đứng đầu, đồng thời cấm tất cả công dân Mỹ tiến hành bất cứ giao dịch nào với Yamaguchi-gumi. Để đi đến quyết định này, nhà chức trách Mỹ đã đưa ra một danh sách các tội trạng của Yamaguchi-gumi, trong đó có buôn bán ma túy, vận chuyển trái phép vũ khí, buôn người, mại dâm và rửa tiền... xuyên lục địa, với khoản lợi nhuận hàng năm lên đến hàng tỷ USD. Nhưng đáng kể nhất, là việc gây rối trật tự của thị trường tiền tệ Mỹ thông qua việc đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản và kinh doanh ở Hawaii, Las Vegas... Hành động này đã khiến Yamaguchi-gumi bị ảnh hưởng không hề nhỏ.


Ranh giới trắng - đen

“Bố già” Kenichi trong ngày được trả tự do

Nhắc đến Yamaguchi-gumi, người dân Nhật Bản ai cũng biết. Ra đời từ năm 1915, thành viên của Yamaguchi-gumi hiện chiếm khoảng 46,3% thành viên xã hội đen ở Nhật Bản, với khoảng 800 chân rết phân bố khắp 45 trên tổng số 47 quận, huyện tại các tỉnh thành trên cả nước. Giống như các băng đảng xã hội đen khác, Yamaguchi-gumi khởi nghiệp với việc kinh doanh sòng bạc, bảo kê, lừa đảo, tống tiền..., nhưng bắt đầu từ những năm 1990, tổ chức này có sự chuyển hướng “chiến lược”, thâm nhập sâu hơn vào thị trường bất động sản, ngành vận tải, xây dựng cũng như tài chính tiền tệ.

Năm 1995, sau thảm họa động đất ở Kobe, Yamaguchi-gumi từng huy động nguồn lực trên toàn quốc để quyên góp lương thực, nhu yếu phẩm phân phát cho các nạn dân. Các thành viên của băng đảng này đã tổ chức nhiều điểm cung cấp thức ăn miễn phí, tuần tra đêm ở các lán tạm cư để chống nạn cướp bóc. Nhờ đó, uy tín của Yamaguchi-gumi lên rất cao, thậm chí người ta còn đánh giá tốc độ cũng như hiệu quả trong công tác cứu hộ của tổ chức này nhanh hơn chính phủ.

Khi Kennichi nhận chức “ông trùm” thế hệ thứ 6, Yamaguchi-gumi được cải tổ toàn diện: tất cả thành viên phải đeo biển tên; những ai có thành tích tốt được cho ra nước ngoài học... Ngay trước trụ sở của tổ chức này là một tấm biển ghi: “Tuyên ngôn về một xã hội tốt đẹp: Chúng tôi không cho phép dùng lao động trẻ em, không buôn ma túy, không vứt đầu thuốc lá bừa bãi”.

Dầu vậy, điều đó cũng không thể khiến Yamaguchi-gumi trở nên trong sạch. Ở giai đoạn phát triển đến cấp độ cao, Yamaguchi-gumi bắt đầu đẩy mạnh việc đầu tư vào thị trường chứng khoán để rửa tiền xuyên lục địa. Theo một báo cáo nội bộ, tháng 12-2003, nhà chức trách Thụy Sỹ đã đóng băng tài khoản ngân hàng lên tới 61 triệu franc Thụy Sỹ (5,2 tỷ yên) của một người Nhật vì liên quan đến rửa tiền. Tài khoản này thuộc về “ông trùm” Kenichi Shinoda. 

Chính phủ mạnh tay

Khác với trước đây, chính phủ Nhật đã bắt đầu hành động  đánh mạnh vào các tổ chức xã hội đen. Cuối năm 2010, cảnh sát giáng một “đòn quyết định” vào Yamaguchi-gumi khi bắt giữ nhân vật số 2 và số 3 cùng một lượng lớn các thành viên cốt cán của tổ chức này. 

Theo quy định về xóa bỏ các tập đoàn bạo lực bắt đầu được thực thi từ năm 2011 ở Nhật, mọi doanh nghiệp và cá nhân đều không được phép cho các tổ chức xã hội đen hoặc thành viên của nó mượn danh nghĩa để đầu tư, kinh doanh. Tháng 10 vừa qua, Luật tội phạm có tổ chức của Nhật tiếp tục được sửa đổi, cho phép cảnh sát bắt giữ tại chỗ các nghi phạm bị cho là tham gia vào các hoạt động phạm pháp của băng đảng. Trước áp lực này, ngày càng có nhiều đối tượng “rửa tay gác kiếm”.   

Xã hội đen được coi như một tổ chức xã hội đặc thù ở Nhật Bản, có uy thế lớn, kỷ luật chặt chẽ. Không giống với hình ảnh thường thấy trong phim hành động, các thành viên của Yamaguchi-gumi luôn có vẻ bề ngoài rất lịch thiệp - mặc vest, đeo cà vạt giống bất kỳ một viên chức bình thường nào. Dấu hiệu nhận biết các thành viên Yamaguchi-gumi là mảng xăm lớn trên lưng và hai bàn tay chỉ có 9 ngón.