Chuyện về ông “Đốc lý đỏ”

(ANTĐ) - Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã quá quen thuộc với nhạc phẩm “Tiến quân ca” của Nam Cao, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Lũy hoa” của Nguyễn Huy Tưởng… Nhưng ít ai biết người góp phần quan trọng thổi ngọn gió mới của cách mạng vào tâm thức văn nghệ sĩ thời đó chính là cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Chuyện về ông “Đốc lý đỏ”

(ANTĐ) - Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã quá quen thuộc với nhạc phẩm “Tiến quân ca” của Nam Cao, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Lũy hoa” của Nguyễn Huy Tưởng… Nhưng ít ai biết người góp phần quan trọng thổi ngọn gió mới của cách mạng vào tâm thức văn nghệ sĩ thời đó chính là cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Nhà văn Tô Hoài, một trong những người đầu tiên của tổ Văn hóa cứu quốc Hà Nội nhắc đến ông với tất cả niềm mến yêu, cảm phục. Ông bảo: Cái tên ông “Đốc lý đỏ” là biệt danh mà thực dân Pháp kính phục đặt cho ông Lê Quang Đạo.

Khi ấy, Lê Quang Đạo là Xứ ủy viên kiêm Bí thư  Ban cán  sự  Đảng Hà Nội. Những năm 1941-1943, thành phố nghẹt thở trong những vụ khủng bố tàn bạo của kẻ thù. Ban cán sự Đảng bộ bị vỡ đến lần thứ tám. Cơ sở của Đảng và Mặt trận Việt Minh (MTVM) đã có trong nông dân thợ thủ công ở một số làng xã ngoại thành như Nghĩa Đô, Bưởi, Dịch Vọng Tiền…; nhưng ở nội thành, cơ sở của MTVM trong công nhân, phụ nữ, học sinh, trí thức văn nghệ sĩ còn rất mỏng.

Đồng chí Lê Quang Đạo (thứ tư từ trái sang) cùng Ban Tuyên truyền Trung ương khi đang là Phó Ban
Đồng chí Lê Quang Đạo (thứ tư từ trái sang) cùng Ban Tuyên truyền Trung ương khi đang là Phó Ban

Trước tình hình đó, Xứ ủy cử ông trực tiếp nắm tổ chức Văn hóa cứu quốc (VHCQ) và giới học sinh, sinh viên, trí thức,  mở rộng MTVM trong các tầng lớp nhân dân, làm cho văn nghệ sĩ hiểu rõ sứ mệnh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc họ cũng là chiến sĩ.

Đã từng là học sinh trường Thăng Long, được thụ giáo các thầy Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, bản tính  chân tình, cởi mở, hồn nhiên, biết lắng nghe ý kiến mọi người, ông đã sớm thu phục được anh em VHCQ Hà Nội. Nhà văn Tô Hoài nhớ lại: “Tổ VHCQ của chúng tôi lúc đầu có ba người: anh Như Phong, Vũ Quốc Uy và tôi. Một hôm, đang ngồi trong nhà anh Uy ở gần hồ Trúc Bạch, nay là phố Phó Đức Chính, có một người thấp bé, mặc áo dài ma-ga đen, đội mũ cát két, đeo kính cận  trắng, trông tựa như học trò.

Anh Uy giới thiệu đó là đồng chí cán bộ cùng về họp tổ VHCQ, tên là Bé. (Sau này, tôi mới biết anh chính là Lê Quang Đạo). Anh Bé thường đến giảng giải cho chúng tôi về chương trình và điều lệ của MTVM, về nội dung dân tộc, khoa học đại chúng của Đề cương văn hóa Việt Nam thật khúc triết với những ví dụ liên hệ rất sáng tỏ”.

Không chỉ tổ VHCQ mà nhiều cán bộ phụ trách các  tiểu tổ học sinh bí mật các trường trung học Bưởi, Gia Long, Kỹ nghệ thực hành… và cán bộ thanh vận đều yêu mến ông bởi đức tính giản dị, biết cách tuyên truyền đi vào lòng người.

Lăn lộn với giới trí thức, học sinh, sinh viên và được dân che chở nuôi giấu, thoắt ẩn, thoắt hiện trong các ngõ phố với dáng vẻ của một học trò nghèo, ông làm cho chính quyền thực hiện điên đầu bởi bao phen chúng đã bắt hụt ông “Đốc lý đỏ”. Chuyện kể  rằng: Mỗi khi đến nhà ông Vũ Quốc Uy họp, đến bữa, ông  cùng anh em trà trộn trong đám học sinh trường Bưởi, trường Sư phạm Cửa Bắc (nay là trường Phan Đình Phùng), ăn cơm “đầu ghế”, tương tự như cơm bình dân bây giờ.

Một lần, ông Lê Quang Đạo đến nhà ông Uy họp, không hề biết ông Uy  và Tô Hoài, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Đình Thi  đã bị mật thám Nam Định lên Hà Nội tóm rồi. Và chúng đang giăng bẫy để bắt ông. Vào nhà, cảm thấy sự thể có vẻ khang khác, ông ra ngay bếp đằng sân sau, thoăn thoắt trèo lên sân thượng  rồi tụt xuống, lẫn vào đám đông khi trời đã nhập nhoạng tối. Lúc ấy, bọn mật thám mới ngờ ngợ “cái thằng bé con” vừa vào đây đã biến mất, có lẽ là ông “Đốc lý đỏ”.

Trận đòn thù cuối năm 1944 còn in đậm trong ký ức, hơn 50 năm sau, nhà văn Tô Hoài vẫn nhớ: Tại Sở Liêm phóng Bắc kỳ, tên mật thám Luýt tra hỏi: “Cái thằng bé con vẫn họp với chúng mày ở nhà thằng Uy, mày có biết nó là ai không? Mày quan hệ với nó thế nào?”. Tôi im lặng lắc đầu. “Nó là quan đốc lý cộng sản đấy. Biết rồi còn vờ được. Rồi tao sẽ làm cho chúng mày tỉnh người ra mà biết nhé”.

Có lẽ, bọn chúng đặt biệt hiệu như vậy để phân biệt với chức Đốc lý thành phố do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm  một tên thực dân  nắm giữ. Và những hoạt động của ông Lê Quang Đạo trên lĩnh vực văn hóa mà chúng nắm được khiến cho chúng phải nể phục “ông quan cộng sản”.

Thoát khỏi lưới mật thám, ông Lê Quang Đạo không chỉ vận động giới trí thức, văn nghệ sĩ… tuyên truyền Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa” của Tổng bộ Việt Minh mà ông còn cùng ông  Xuân Thủy trực tiếp phụ trách  và viết bài cho báo Cứu quốc. Những người liên lạc  thường gọi ông là “anh Mẫn kính trắng”, hay “anh Trần Hoạt”; còn  trên báo, ông lấy bút danh là ái Dân đầy ý nghĩa sâu sắc.

Những bài ông viết chung với ông Xuân Thủy lại lấy bút danh “Hai Chàng”, thật trẻ  và lãng mạn. Ngòi bút chiến đấu giàu chất thép, chất thơ của ông và các ông Xuân Thủy, Trường Chinh đã thắp lên ngọn lửa cách mạng  trong lòng  mọi người, kêu gọi, tập hợp  nhân dân đoàn kết dưới ngọn cờ cứu nước của Việt Minh.

Và từ tổ VHCQ đầu tiên đã phát triển, lan rộng ra Hải Phòng,  Nam Định, Hưng Yên với  Văn Cao, Nguyễn  Công Mỹ,  Nguyễn Huy Tưởng, Học Phi, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Hữu Đang… những hội viên  Hội VHCQ Việt Nam đã sớm trở  thành những chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật trong ngọn lửa khởi nghĩa.

Ông đã xa chúng ta  về với cõi Phật, nhưng trong tâm khảm của nhà văn Tô Hoài cũng như những đồng chí, đồng nghiệp đã cùng sống, hoạt động, ông như vẫn ở bên họ với nụ cười cởi mở, thân thiện; đôi mắt thông minh sau cặp kính trắng đang chăm chú nghe ý kiến của anh em và có mhững kiến giải đúng đắn đầy sức thuyết phục, có lý, có tình, hòa hợp được nhân tâm.

Ông đã thu phục, tập hợp văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, lên đàng tranh đấu, chính là do cái Tâm, cái Tài đó, đúng như nhà văn Tô Hoài đã viết khi nhớ về “ông Đốc lý đỏ” thân thương: “Tôi trông thấy trên khắp đất nước, tầng tầng lớp lớp người đứng lên, đâu đâu cũng gióng trống phất cờ cầm gươm cầm súng xông ra đánh giặc Pháp, đuổi giặc Nhật. Nước Việt Nam độc lập đương từ từ mọc lên giống ông trăng rằm tròn vành vạnh…”.                  

Kim Thanh