Tên lửa đạn đạo Pakistan còn kém xa Ấn Độ

ANTĐ - Ngày 22-4, Pakistan đã phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mang tên Ghaznavi, tuy nhiên, so với Ấn Độ, tên lửa đạn đạo của nước này vẫn còn có một khoảng cách khá xa mà phải nhiều năm nữa mới có thể đuổi kịp.

Theo một tuyên bố của quân đội Pakistan, tên lửa được phóng sáng nay là loại tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn Hatf III (Ghaznavi) có thể mang được cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 290km.

“Vụ phóng thử thành công này đã khép lại cuộc diễn tập huấn luyện thực binh của lực lượng tên lửa chiến lược thuộc Bộ tư lệnh các lực lượng chiến lược lục quân Pakistan”, tuyên bố của phòng quan hệ công chúng của quân đội Pakistan cho biết.

Vụ thử thành công này đã được tổng thống và thủ tướng Pakistan đánh giá cao, đồng thời gửi lời chúng mừng đến binh lính, các nhà khoa học và cơ khí về thành tựu nổi bật này.

Tên lửa Hatf III của Pakistan

Trong khi đó, phát biểu với binh lính tại khu vực diễn tập, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Pakistan, tướng Rashad Mahmood, cũng đã khen ngợi binh lính về việc đã đạt được thành tựu về kỹ thuật và chiến thuật vận hành hệ thống vũ khí hiện đại này.

Với tầm bắn này, tên lửa đạn đạo Hatf III có khả năng tấn công một số khu vực tại nước láng giềng Ấn Độ, nước cũng thường tiến hành phóng thử các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong đó có một số tên lửa có thể tấn công mọi mục tiêu tại nước này.

Ngoài tên lửa đạn đạo Hatf III, Pakistan cũng đã phóng thử thành công các tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn, như: tên lửa đạn đạo Hatf IV, có tầm bắn 900km, và tên lửa đạn đạo tầm trung Hatf V, có tầm bắn lên đến 1.300km.

Trước đó, hôm 11-4, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-I từ một căn cứ quân sự ở bang Odisha, miền Đông nước này, trong khuôn khổ một cuộc phóng thử của lục quân.

Một vụ phóng tên lửa Agni-IV

Tên lửa Agni-I có tầm bắn từ 700km, là loại tên lửa đạn đạo tầm trung một tầng, sử dụng nhiên liệu đẩy rắn, có khả năng cơ động bằng tàu hỏa hoặc xe bộ binh và đã được phiên chế cho lục quân Ấn Độ. Tên lửa đã được phóng thử thành công từ cùng căn cứ này vào ngày 25-1-2002.

Trong các dòng tên lửa Agni, ngoài tên lửa Agni-I, Ấn Độ hiện đã phát triển được các tên lửa Agni-II tầm bắn 2.000km, Agni-III có tầm bắn 2.500km, Agni-IV có tầm bắn hơn 3.500km và Agni-V tầm bắn 5.000km. Nước này hiện đang phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-VI với tầm bắn lên đến 10.000km, và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập.

Pakistan đã tiến hành các vụ thử hạt nhân vào năm 1998 để đũa các vụ thử hạt nhân trước đó của Ấn Độ. Cả hai nước láng giềng thù địch này cũng sở hữu nhiều loại tên lửa khác nhau. Hai nước đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh, trong đó có 2 cuộc chiến tranh do tranh chấp tại Kashmir, kể từ khi giành độc lập vào năm 1947.

Trong những năm gần đây, hai nước láng giềng này đã liên tục chạy đua phát triển và thử tên lửa đạn đạo kiểu “ăn miếng, trả miếng”. Cuộc chạy đua này chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, và sẽ gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực.