Ukraine, Lithuania, Ba Lan thành lập lữ đoàn quân sự chung

ANTĐ - Ukraine, Ba Lan và Lithuania đã cùng nhau thành lập một lực lượng quân sự chung và sẽ có cuộc tập trận đầu tiên vào năm sau.

Bộ trưởng quốc phòng của 3 nước đã kí thoả thuận hợp tác ở Warsaw vào hôm 19/9, với sự chứng kiến của Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, lực lượng quân sự này sẽ có tên là LITBOLUKRBRIG (lữ đoàn Lithuania-Ba Lan-Ukraine), có nhiệm vụ gìn giữ hoà bình, hoặc nếu cần thiết có thể  thành lập một nhóm chiến đấu NATO trong khu vực.

Lithuania và Ba Lan hiện đã là thành viên của NATO, trong khi yêu cầu về việc trao một quy chế an ninh đặc biệt cho Ukraine – một nước nằm ngoài NATO, vừa bị từ chối bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama.

“Tôi hi vọng LITBOLUKRBRIG có thể thực hiện cuộc tập trận chung đầu tiên vào năm tới. Việc thành lập ra đơn vị quân sự này là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm hỗ trợ Ukraine và các nước khác trong khu vực trong công cuộc hiện đại hoá quân đội”, Tổng thống Komorowski cho hay.

Lực lượng mới có tên LITBOLUKRBRIG (lữ đoàn Lithuania-Ba Lan-Ukraine)

Tổng thống Ba Lan cũng nhấn mạnh rằng thoả thuận này sẽ chứng minh cam kết của 3 nước trong việc giữ gìn an ninh khu vực. Ông cho rằng lực lượng quân sự này nên được hình thành từ sớm hơn và giờ là lúc để đền bù cho sự chậm trễ này.

Quy mô của lực lượng quân sự vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên đại bản doanh của nó sẽ được đặt ở thành phố Lublin, miền đông Ba Lan, không quá xa với biên giới của Ukraine.

Hiện chỉ có những tin đồn cho rằng Ukraine sẽ đóng góp 545 binh lính, Ba Lan cử từ 3.000 đến 3.800 binh lính và 150 đến 350 binh lính từ Lithuania để hình thành lữ đoàn mới.

Theo kênh truyền hình TVN21 của Ba Lan, các đơn vị của lữ đoàn vẫn sẽ đóng tại những căn cứ ở Lithuania, Ba Lan và Ukraine, và chỉ gặp nhau khi tiến hành các cuộc tập trận chung hoặc thực hiện các nhiệm vụ quân sự.

Ý tưởng thành lập lữ đoàn LITPOLUKRBRIG đã được đề xuất từ năm 2007, khi Lithuania, Ba Lan và Ukraine quyết định thành lập một tiểu đoàn chung. Một năm sau, kế hoạch này trở nên tham vọng hơn khi 3 nước muốn thiết lập nên một lữ đoàn chung.

Ukraine, Ba Lan và Lithuania đã đổ lỗi cho Nga trong việc điều khiển và cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở miền đông.

Tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra để chứng minh cho những cáo buộc trên, điều mà Moscow cũng liên tiếp phủ nhận.