Dự án tàu ngầm S-1000 Nga-Italia bị đình chỉ vì MH17?

ANTĐ - Theo mạng thông tin KHKT quốc phòng Trung Quốc, một dự án hợp tác mới về tàu ngầm cỡ nhỏ giữa Italia và Nga đã bị đình chỉ. Một quan chức cấp cao Nga cho biết nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Tuy nhiên, người phát ngôn phía Italia lại phủ nhận sự liên quan của vụ việc đối với cuộc nội chiến ở Ukraine và sự kiện chiếc Boeing 777, thuộc chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trên đất Ukraine, cách biên giới với Nga khoảng 60km và cho rằng thời gian là nguyên nhân chính khiến dự án đình trệ.

Một quan chức cấp cao Nga thẳng thắn cho biết, dự án này bị ảnh hưởng do những lệnh cấm vận và đình chỉ hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga.

Dự án hợp tác giữa công ty Rubin Nga và doanh nghiệp đóng tàu Fincantieri Italia kéo dài trong vòng 10 năm, nhằm nghiên cứu, phát triển chiếc tàu ngầm diesel mini loại 1.000 tấn mang tên S-1000. S-1000 là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu lại lực lượng tác chiến chủ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dự án tàu ngầm S-1000 Nga-Italia bị đình chỉ vì MH17? ảnh 1

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Lada của Nga

Một quan chức giấu tên của phòng quản lý công trình hải dương thuộc cục thiết kế của công ty Rubin cho biết: "Đáng tiếc là, do vấn đề chính trị mà một dự án hợp tác quy mô lớn như thế này phải dừng lại.

Dự án tàu ngầm S-1000 Nga-Italia bị đình chỉ vì MH17? ảnh 2

Mô hình tàu ngầm S-1000

Thời gian gần đây, Mỹ đã áp dụng một đợt cấm vận mới đối với các nhà sản xuất vũ khí Nga, bao gồm cả một số công ty nổi tiếng. Tai nạn máy bay Malaysia ở phía Đông Ukraine cũng đang đe dọa kế hoạch hợp tác phát triển tàu sân bay trực thăng lớp Mistral giữa Pháp và Nga.

Ngày 17-7 vừa qua, chiếc Boeing 777, chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia đã bị bắn rơi trên không phận khu vực Donetsk của Ukraine, cách biên giới với Nga khoảng 60 km, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thảm tử.

Sau khi vụ việc bi thảm xảy ra, Mỹ-EU và Ukraine đã một mực quy trách nhiệm cho lực lượng dân quân thân Nga ở đông nam Ukraine là thủ phạm đã dùng tên lửa phòng không Buk (do Nga cung cấp) bắn rơi MH17, sau đó các tên lửa này đã được rút về Nga.

Ngược lại, Nga và lực lượng dân quân Donetsk đã trưng ra bằng cớ về việc 3 tổ hợp Buk của quân đội nước này đã hoạt động trong thời điểm chiếc Boeing bay qua và tuyên bố chính quân đội Ukraine mới là thủ phạm bắn rơi MH17 vì dân quân không có tên lửa phòng không với tới tầm 10km, đồng thời cũng không biết sử dụng.

Những tranh cãi càng ngày càng căng thẳng khi Mỹ và EU năm lần 7 lượt đưa ra các biện pháp bao vây, cấm vận đối với các quan chức cấp cao Nga và Crimea, trừng phạt các tổ chức, các công ty và ngân hàng Nga, đồng thời chấm dứt hợp tác trên nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, quân sự...