Từ nơi đây - họ tiến ra mặt trận

(ANTĐ) -Vâng, các học viên của Học viện Cảnh sát khi ra trường là tiến thẳng ra mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Mặt trận có tiếng súng, có đổ máu, có cả mặt trận vận động nhân dân cùng bảo vệ cuộc sống yên lành.

Kỷ niệm 40 năm Học viện Cảnh sát nhân dân:

Từ nơi đây - họ tiến ra mặt trận

(ANTĐ) -Vâng, các học viên của Học viện Cảnh sát khi ra trường là tiến thẳng ra mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Mặt trận có tiếng súng, có đổ máu, có cả mặt trận vận động nhân dân cùng bảo vệ cuộc sống yên lành.

Lịch sử Học viện Cảnh sát nhân dân sẽ mãi ghi nhớ những ngày mùa hè năm Mậu Thân 1968. Tại vùng đất du lịch Suối Hai, Hà Tây nổi tiếng, nơi có cảnh quan môi trường xinh đẹp, Bộ Công an đã chính thức khai trương một cơ sở đào tạo mới của ngành Công an.

Do nhu cầu đào tạo, ngày 15-5-1968, sau cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân lịch sử, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra quyết định tách phân hiệu của Cảnh sát thuộc trường Công an Trung ương thành trường Cảnh sát nhân dân. Thượng tá Lê Quân - Phó Hiệu trưởng trường Công an Trung ương được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường.

Ngôi trường đơn sơ nằm ở Suối Hai, Ba Vì , Hà Tây - một vùng đất nổi tiếng với truyền thuyết “Sơn tinh - Thủy tinh”. Đại tá Tiến sỹ Lê Anh San - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết lúc ban đầu mới thành lập, trường có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ hạ sỹ quan và bổ túc sỹ quan nghiệp vụ cho cán bộ chiến sỹ Cảnh sát nhân dân.

Một giờ học phân tích chất ma túy của học viên Học viện Cảnh sát
Một giờ học phân tích chất ma túy của học viên Học viện Cảnh sát

Dưới bom đạn của chiến tranh, khó khăn chồng chất, vừa thiếu cán bộ giáo viên, vừa thiếu các cơ sở vật chất để nghiên cứu, giảng dạy nhưng với lòng yêu ngành yêu nghề, thầy trò vẫn miệt mài khẩn trương để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học. “Vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến” tất cả cán bộ chiến sỹ vừa đào tạo cho đất nước những người cán bộ công an ưu tú, góp phần vào sự nghiệp đào tạo của ngành nhằm phục vụ cuộc đấu tranh giữ gìn an ninh, trật tự mà Đảng, Nhà nước tin cậy giao cho, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và điều kiện đào tạo cao hơn.  Bên cạnh đó, một số cán bộ được cử đi học tại Cộng hòa dân chủ Đức và Liên Xô sau khi về nước cùng với số cán bộ tốt nghiệp sỹ quan an ninh và các trường ngoài bắt tay ngay vào giảng dạy, biên soạn chương trình, giáo trình, giáo án để chuẩn bị đào tạo sỹ quan cảnh sát có trình độ đại học.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”, tháng 10-1975 Bộ Công an đã cho phép nhà trường chiêu sinh khóa Đại học Cảnh sát đầu tiên, đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với thế hệ cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường. Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo mới, những mái nhà tranh tre nứa lá dần được thay thế bằng những dãy nhà mái ngói.  Sau đó ngày 2-5-1976, Bộ Công an có quyết định tách trường Cảnh sát nhân dân thành trường Sỹ quan Cảnh sát nhân dân và trường Hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Ngày 27-11-1976, Chính phủ quyết định công nhận trường Sỹ quan Cảnh sát nhân dân nằm trong hệ thống trường thuộc hệ đại học. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, trường lại nằm biệt lập, xa trung tâm thành phố nhưng hơn 260 học viên khóa D1 đầu tiên đã được ra trường, trở thành những sỹ quan cảnh sát có trình độ đại học đầu tiên phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cho đến nay các sỹ quan khóa D1 của nhà trường đều đã trưởng thành như các đồng chí Mai Thế Dương, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn; Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Đồng Đại Lộc; Thiếu tướng Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an Cao Ngọc Oánh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành; Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng Bế Ngọc Báu; Đại tá, Anh hùng Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc CATP Hà Nội v.v. Nhiều học viên D1 được giữ lại trường nay đều đã trưởng thành như Đại tá PGS.TS  Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc Học viện, Đại tá PGS.TS Đỗ Đình Hòa, Trưởng Bộ môn Pháp luật, Đại tá Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp v.v. và một số đồng chí xuất sắc được giữ lại trường tiếp tục phục vụ công tác đào tạo. Và cứ thế các khóa học tiếp theo được tuyển sinh và đào tạo theo quy luật phát triển của đất nước, của ngành công an.

Nhiều học viên của Học viện các khóa học tiếp theo đã trở thành những cán bộ chỉ huy, lãnh đạo của lực lượng Công an nhân dân như Thiếu tướng Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phạm Quý Ngọ, Thiếu tướng Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Triệu Văn Đạt, Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Thông, Chánh Văn phòng Thường trực phòng chống ma túy Nguyễn Công Sơn v.v.

12 học viên cũ của Học viện đã trở thành Anh hùng, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ học viên tiếp bước noi theo như các Anh hùng liệt sỹ Huỳnh Kim Trung, Đỗ Kim Thành, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Kim Tuyến, Nguyễn Đức Chung, Nông Văn Định, Tô Đức Thắng, Hồ Sỹ Tuấn ...

Đến thăm trường trong những ngày đầu năm học mới năm 1995, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã phát biểu: “Trường đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp đào tạo, xây dựng đội ngũ sỹ quan Công an nhân dân Việt Nam. Các đồng chí đã cho ra trường hàng vạn sỹ quan cảnh sát và hiện đang có mặt khắp mọi nẻo đường của đất nước và đang đảm trách những vị trí trọng yếu trên mặt trận bảo vệ trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân”.

Nếu vào những ngày đầu mới thành lập số cán bộ chiến sỹ rất ít, trình độ chỉ đến bậc sơ học và trung học thì vào đầu những năm 1980 đội ngũ cán bộ giáo viên đã được nâng lên trên 200 cán bộ chiến sỹ, phần đông là tốt nghiệp sỹ quan an ninh, cảnh sát và các trường đại học ngành ngoài, đáp ứng được nhu cầu đào tạo.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng cao trong thời kỳ mới, chuẩn bị cho hệ đào tạo cao học, nhà trường đã cử một số đồng chí tốt nghiệp sỹ quan an ninh, sỹ quan cảnh sát đi nghiên cứu tại Liên xô cũ và một số trường trong nước mà còn chuẩn bị chương trình, tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của một số cơ sở đào tạo ngoài ngành để chuẩn bị đào tạo hệ cao học .

Đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nhà trường, tháng 5-1992 Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường Đại học Cảnh sát nhân dân chiêu sinh khóa Cao học cấp bằng thạc sỹ đầu tiên của trường nói riêng và của ngành công an nói chug với 15 học viên. Sau đó không lâu tháng 5-1995 Nhà nước chính thức cho phép nhà trường đào tạo hệ nghiên cứu sinh.          

(Còn nữa)

Xuân Nguyễn - Thanh xuân