Công an Hà Nội với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”:

Tìm lại những người anh hùng

ANTĐ - Với những thành tích xuất sắc trong việc giữ vững huyết mạch vận chuyển hàng hóa, đạn dược tiếp lửa cho Thủ đô Hà Nội giành thắng lợi trong 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không”, Ban Công an xã Đông Hội đã trở thành một trong hai đơn vị của Công an Hà Nội khi đó được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3-9-1973.

Ông Ngô Thiệu Nhã, nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Hội kể lại chuyện 40 năm về trước

Không sợ bom đạn, chỉ lo đứt mạch giao thông

Đến Đông Hội, hỏi về những công an viên năm xưa, đa phần người dân ở đây vẫn đọc vanh vách chiến công anh hùng của họ, nhưng khi chúng tôi ngỏ ý được gặp họ, chỉ nhận được những cái lắc đầu buồn bã: “Ông Lương Xuân Đường, nguyên Trưởng Công an mất năm kia, ông Nhẽ, ông Thăng, ông Lịch, ông Đáng, ông Tường, ông Đọi... đều đã khuất núi cả rồi”. Quân số của Ban công an xã Đông Hội khi xưa tròn 30 người. Giờ còn lại có khi không đếm hết một bàn tay, một vài người theo con cái, ở rải rác trong thành phố. Rất hiếm khi có dịp gặp gỡ, hàn huyên. Theo sự chỉ dẫn của các cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà bà Đào Thị Tưởng. Có lẽ, bà Tưởng là người duy nhất trong số 30 công an viên, còn ở làng Đông Hội cho đến ngày hôm nay. 

Thấy chúng tôi đến, người nhà đỡ bà ngồi dậy. Năm nay bà Tưởng mới chỉ ngoài 60, nhưng đã có đến hơn 10 năm phải chống chọi với căn bệnh Parkinson quái ác. Bà nói chuyện với chúng tôi trong trạng thái toàn thân run rẩy, nhưng lạ kỳ, trí nhớ của bà vẫn cực kỳ minh mẫn. Không biết có phải, những ngày tháng gian khổ sự sống và cái chết đôi khi cận kề trong gang tấc, nhưng cô gái trẻ ngoài 20 tuổi Đào Thị Tưởng vẫn đi theo tiếng gọi của cả dân tộc chiến đấu- cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do… đã trở thành ký ức không thể quên. Theo lời kể của bà, cuối năm 1967, do sự đánh phá ác liệt của địch, cầu Đuống bị hư hại, chưa thể sửa chữa và sử dụng ngay được.

Bến phà Đông Trù xưa, nay sắp có một cây cầu nối hai bờ sông Đuống - cầu Đông Trù

Trước tình hình ấy, Chính phủ quyết định nâng cấp con đường Đông Hội và xây dựng hai bến phà Đông Trù và Đông Ngàn để nối lại tuyến đường huyết mạch của cả nước. Kể từ khi bến phà được hình thành, nơi đây trở thành địa điểm đánh phá ác liệt nhất của Mỹ. Trách nhiệm của  toàn Đảng, toàn dân Đông Hội cũng nặng nề hơn, bằng mọi giá phải bảo vệ an toàn cho con đường, bến phà, hàng hóa… kịp thời chi viện cho các chiến trường. Ngày đó, mỗi lần có báo động, ngay lập tức nhiều phương án cất giấu hàng hóa, súng đạn được đưa ra. Cả xã Đông Hội trở thành một nhà kho khổng lồ và công tác đảm bảo an ninh, ngụy trang cho những lô hàng tiếp tế này được giao toàn bộ cho Ban Công an xã Đông Hội. Có khi vừa che chắn được một chuyến hàng đã lại phải đối phó với đợt rải bom khác của địch. “Cứ ngưng tiếng bom, chúng tôi lại cùng anh em dân quân, bộ đội kiểm tra lại cầu phao dã chiến và số hàng đang ngụy trang. Máy bay quay lại tiếp tục đánh phá, có đồng chí không kịp rút đã hy sinh ngay tại trận địa bảo vệ phà do sức ép của bom địch. Chúng tôi nào có quan tâm sống chết gì đâu, máy bay đến, hết đợt bom này đến đợt bom khác trút xuống cũng không làm chúng tôi sợ. Nỗi sợ duy nhất khi đó chỉ là đứt mạch giao thông, mất những chuyến hàng” - bà Tưởng nhớ lại. Năm 1967, khi mới 17 tuổi, bà đã xin đi thanh niên xung phong và sau đó được chọn vào Ban Công an xã Đông Hội tham gia giữ gìn, đảm bảo an ninh cho tuyến vận tải quan trọng này. 

Với những thành tích trong trận chiến kéo dài 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, ngày 3-9-1973, bà Đào Thị Tưởng đã được chọn làm đại diện cho Ban Công an xã Đông Hội vinh dự lên đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích xuất sắc trong trận chiến 12 ngày đêm khói lửa”. Ngày nay, tại hội trường UBND xã Đông Hội vẫn còn treo bức ảnh cô nữ công an viên mới ngoài 20 tuổi, nụ cười tươi tắn đón nhận danh hiệu do đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội thời bấy giờ trao tặng.

Bà Đào Thị Tưởng đại diện cho Ban Công an xã Đông Hội, đón nhận danh hiệu Anh hùng

Cả làng đánh giặc

Những ký ức lịch sử tiếp tục đưa chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Thiệu Nhã - Chủ tịch xã Đông Hội vào thời điểm năm 1972. Đôi mắt sáng, giọng nói vang, mạnh mẽ khiến ít ai nghĩ ông năm nay đã 79 tuổi. Ông vẫn nhớ như in thời điểm giặc Mỹ trút những trận bom kinh hoàng xuống bến phà Đông Trù quê hương ông. Cuối tháng 12-1972, giặc liên tục đánh phá Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bến phà Đông Trù là một trong những trọng điểm đánh phá của chúng. Không đếm xuể có bao nhiêu trận bom đã rơi trên đất này, chỉ biết, bom đã xé nát toàn bộ khu vực ngoài đê và bến phà. Nhận được chỉ đạo của cấp trên, ông cùng toàn bộ dân quân, du kích kết hợp với Ban Công an xã Đông Hội ngày đêm ứng trực ở khu vực trọng yếu xung quanh bến phà sẵn sàng cho mọi tình huống. Mặc dù là địa điểm quan trọng nhưng bệ pháo đặt tại khu vực chỉ bắn tầm thấp và phải giữ bí mật cho địa điểm tập kết hàng hóa ở các mương nước, ngoài triền đê. 

Những ngày ấy cả làng, cả xã trên dưới một lòng dồn tâm sức bảo vệ cho tuyến vận tải này, lúc bấy giờ phần lớn thanh niên Đông Hội đã lên đường nhập ngũ, chỉ còn lại hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Nhưng mỗi người mỗi việc biến cả xã thành một nhà kho khổng lồ. Họ chia nhau ra bốc xếp, trông coi hàng hóa mong góp phần “chia lửa” cho Thủ đô đang oằn mình chống lại những trận bom của giặc thù cũng như với miền Nam thân yêu nơi những người con Đông Hội đang dồn tâm dồn sức góp phần thống nhất đất nước. Ông Ngô Thiệu Nhã không giấu được nét tự hào trên gương mặt khi nói về thời gian chiến tranh tuy đói khổ, gian nan, nguy hiểm nhưng đoàn kết, tin yêu lẫn nhau. Giờ đây, người cán bộ năm xưa chỉ còn quanh quẩn với ruộng vườn, làm bạn với bà lão đã chung sống với ông 60 năm qua. Chia tay chúng tôi ông quả quyết: “Trải qua hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khi Tổ quốc cần, chúng tôi vẫn nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước”.

Trò chuyện cùng chúng tôi trong những ngày cả nước kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Thượng tá Trần Hải Quân - Trưởng Công an huyện Đông Anh cho biết thêm, phát huy truyền thống anh hùng, Đông Hội ngày nay có nhiều nét đổi mới, đời sống người dân đã được nâng cao. Đặc biệt, địa phương cũng là một điểm sáng tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện chủ trương, “Uống nước nhớ nguồn” những năm vừa qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh đã tích cực phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Mới đây, ngày 16-12, Đảng ủy, BCH Công an huyện phối hợp cùng CLB Hưu trí đến thăm và tặng quà gia đình Liệt sĩ Trương Viết Lãm tại Ninh Bình, người đã hy sinh trong đêm 18 rạng sáng 19-12-1972. Cũng trong dịp này, nhiều cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa thế hệ công an qua các thời kỳ ở Đông Anh đã được tổ chức. Đây thực sự là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn nữa về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, sự hy sinh xương máu của cha anh và quan trọng hơn cả để mỗi đoàn viên thanh niên công an Đông Anh lấy đó làm tấm gương để tự soi và sửa mình, qua đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.