Nữ giám đốc tuổi 20

(ANTĐ) - Là một cô sinh viên tỉnh lẻ, lại gặp vô số những bất hạnh trong cuộc sống, ấy vậy mà sau 4 năm đại học, cô sinh viên khoa Sử - Đại học Sư phạm Hà Nội Đỗ Ngọc Thiên Hương đã trở thành giám đốc một trung tâm đào tạo Anh ngữ nổi tiếng. Trong khi hầu hết số bạn bè cùng trang lứa còn đang lưỡng lự trên con đường tìm việc làm thì cô đã có những chiến lược riêng để phát triển chung cho cộng đồng.

Nữ giám đốc tuổi 20

(ANTĐ) - Là một cô sinh viên tỉnh lẻ, lại gặp vô số những bất hạnh trong cuộc sống, ấy vậy mà sau 4 năm đại học, cô sinh viên khoa Sử - Đại học Sư phạm Hà Nội Đỗ Ngọc Thiên Hương đã trở thành giám đốc một trung tâm đào tạo Anh ngữ nổi tiếng. Trong khi hầu hết số bạn bè cùng trang lứa còn đang lưỡng lự trên con đường tìm việc làm thì cô đã có những chiến lược riêng để phát triển chung cho cộng đồng.

Trao đổi với các học viên
Trao đổi với các học viên

Xuất thân khá “hoàn cảnh”, mất cả cha lẫn mẹ nên ngay từ những ngày đầu đặt chân vào cổng trường đại học, Thiên Hương đã xác định cho mình một cuộc sống tự lập, đồng thời định hướng ngay đường đi cho mình bằng cách cùng lúc tham gia học cả hai trường đại học: Đại học Ngoại ngữ và Đại học Sư phạm.

Hương bảo, tính cô vốn hay thắc mắc, thế cho nên ngay từ năm thứ nhất ở trường Ngoại ngữ cô đã băn khoăn một điều: Hầu hết các sinh viên đều có một lưng vốn kiến thức kha khá. Tuy vậy, nhưng đa số khả năng giao tiếp của họ lại rất yếu.

Điều này không chỉ giới hạn ở phạm vi của giới sinh viên mà còn là một tình trạng rất phổ biến tại các trung tâm đào tạo ngoại ngữ của Việt Nam. Nói một cách nôm na là: Bạn có thể đọc thông viết thạo về mặt chính tả, ngữ pháp, nhưng cứ đến khi phải nói chuyện với người nước ngoài thì hầu hết đều rơi vào tình trạng “kẻ nói không hiểu người nghe”. Thậm chí còn không hiểu người nước ngoài muốn nói gì.

Sau một thời gian dài tìm hiểu, cuối cùng cô rút ra một kết luận đơn giản, đó là quy trình học của tất cả sinh viên đã bị đảo ngược. Theo quy luật, học ngoại ngữ phải tuân thủ theo các bước: Nghe - nói - đọc - viết. Thế nhưng sinh viên chúng ta thì đều làm ngược lại theo các bước: Đọc - viết - nghe - nói. Việc này giống như tình trạng “xây nhà từ nóc”.

 Tìm ra nguyên nhân là sẽ có biện pháp khắc phục, cô lập tức bắt tay vào tự nghiên cứu và triển khai một đề tài: Học ngữ âm qua văn hóa. Sở dĩ đề tài này được thai nghén cũng một phần là do Hương đang theo học chuyên ngành Sử - Đại học Sư phạm.

Cô nhận thấy, việc giảng dạy Ngoại ngữ thông qua những bài giảng về văn hóa lịch sử sẽ làm bài giảng bớt khô cứng và khả năng tiếp nhận của người học sẽ được nâng lên rất cao. Hương khẳng định: Sự phát âm rõ ràng là vấn đề lớn nhất khi nói tiếng Anh hay bất cứ một ngoại ngữ nào. Khi gặp một người nước ngoài, bạn chỉ cần nói một câu hoặc hai câu. Nhưng họ sẽ chú ý sự phát âm của bạn chuẩn hay kém. Nếu bạn phát âm tồi, lập tức họ nghĩ rằng bạn nói tiếng Anh tồi, nếu sự phát âm của bạn tốt, bạn tạo ra được ấn tượng tốt ban đầu để có thể tiến hành hoạt động giao tiếp tiếp theo.

Phát âm chuẩn là vấn đề đầu tiên mà người học tiếng nước ngoài cần chú ý. Bạn có thể sử dụng ngôn ngữ đó mà không cần vốn từ vựng cao cấp. Bạn có thể sử dụng những từ vựng đơn giản để diễn đạt những điều bạn muốn nói. Bạn có thể sử dụng những cấu trúc ngữ pháp dễ hiểu thay cho những cấu trúc ngữ pháp phức tạp.

Những nghiên cứu và ứng dụng về giảng dạy này của Hương nhanh chóng tạo được sự chú ý ở Bộ Giáo dục. Vì thế ngay sau khi tốt nghiệp với hai tấm bằng cử nhân loại ưu, cô lập tức được nhận về làm việc tại tại Trung tâm hợp tác chuyên gia và kỹ thuật nước ngoài trực thuộc Bộ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơ hội lại đến với Hương khi trung tâm mở thêm chức năng tư vấn và dạy tiếng. Với vốn liếng và kinh nghiệm của mình Hương nhanh chóng được chọn vào vị trí Giám đốc chương trình đào tạo ngoại ngữ chuyên biệt cho Trung tâm đào tạo ngữ âm - văn hóa giao tiếp (PSC).

Hiện nay, dưới sự điều hành của cô, mỗi ngày Trung tâm PSC thu hút hàng trăm lượt học viên tới tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ như: Anh, Pháp, Nga, Nhật... Ở đây, học viên rất thích thú với cách giảng dạy rất riêng biệt và hiệu quả, khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của cách dạy trước đây.

Ôm mộng phát triển PSC thành một trung tâm đào tạo ngoại ngữ lớn, Hương đang bắt đầu một chiến lược tìm nguồn học bổng để giúp cho những sinh viên thực sự say mê học tập và đạt nhiều thành tích khá, giỏi. Cô tâm sự: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay mà PSC luôn hướng tới là vấn đề phát triển con người, chú trọng tới nguồn nhân lực.

Đó là một cách để đưa Việt Nam hội nhập với quốc tế. Chính vì thế trao những suất học bổng cho học viên là cách giúp họ có thêm điều kiện để học tập. Và một khi, người Việt đã có thể nghe, nói, sử dụng tốt ngoại ngữ trong quan hệ với nước ngoài thì chính những học viên ấy sẽ là những con người đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nguyễn Long