Nỗi niềm “cơm bụi sinh viên”

(ANTĐ) - Giá rẻ là lý do khiến các quán cơm bình dân (cơm bụi) xung quanh nhiều trường đại học (ĐH) luôn “gắn bó” với các bạn sinh viên (SV). Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong những món ăn vừa rẻ, vừa bắt mắt ấy là hiểm họa đối với sức khỏe do tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Nỗi niềm “cơm bụi sinh viên”

Kỳ 1: Rẻ thì có… rẻ!

(ANTĐ) - Giá rẻ là lý do khiến các quán cơm bình dân (cơm bụi) xung quanh nhiều trường đại học (ĐH) luôn “gắn bó” với các bạn sinh viên (SV). Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong những món ăn vừa rẻ, vừa bắt mắt ấy là hiểm họa đối với sức khỏe do tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Sợ… nhưng vẫn ăn!

8h sáng, giờ chuẩn bị chế biến món ăn của các quán cơm bình dân gần khu vực các trường ĐH. Ghé vào một quán trên đường Nguyễn Phong Sắc - quận Cầu Giấy, chúng tôi phát hoảng vì mùi hôi thối bốc ra từ miệng cống và nhà vệ sinh. Khắp khu tường nhà bếp, lớp mạng nhện đen kịt bám khắp tường nhà, rổ rá bày bừa bộn, những khối rau thừa, cơm cặn vương vãi trên nền đất rất nhếch nhác.

Hình ảnh quá quen thuộc ở những quán cơm bình dân xung quanh cổng trường đại học
Hình ảnh quá quen thuộc ở những quán cơm bình dân xung quanh cổng trường đại học
 

Mãi mới tìm được chỗ đứng giữa đống rổ rá, xoong nồi, bát đũa bẩn ngổn ngang gần vòi nước, chúng tôi được bà chủ quán trả lời gọn lỏn: “Chưa đến giờ…!”. Chẳng thèm nhìn chúng tôi, bà chủ quán to béo, mặt vã mồ hôi đang cùng 2 nhân viên vật lộn với một đống rau, thịt chỏng chơ ngay dưới nền xi măng nham nhở lênh láng nước mỡ. Túi nilon lòng lợn, tiết vẫn được dùng để chế biến món lòng xào lá răm chưa kịp làm chảy đỏ lòm, bị lũ ruồi nhặng bu kín giữa thời tiết oi bức.

Chưa đến 11h mà quán cơm gần khu vực trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chật kín khách. Trong cửa hàng chưa đầy 20m2, chỉ có mỗi bà chủ quán và một người giúp việc khoảng 50 tuổi đang vã mồ hôi phục vụ khách. Trên chiếc tủ đựng thức ăn bụi và mỡ bám thành một lớp đen kịt ở các góc tủ. Bên trong là những chiếc chậu nhựa, đĩa nhựa đựng các món ăn đã chế biến.

Thi thoảng, đám ruồi nhặng “lượn” quanh khiến bà chủ phải đưa tay đuổi liên tục. Trong khi đó, người giúp việc tay chân cáu bẩn rửa bát đũa theo kiểu siêu tiết kiệm, nhúng qua chậu nước vừa rửa rồi lau khô cho kịp quay vòng phục vụ khách. Trên bàn ăn, những đôi đũa mốc thếch, ẩm ướt. Thế mà đến giờ ăn, quán nào quán ấy chẳng có chỗ mà chen chân.

Rau chế biến được để sát miệng cống
Rau chế biến được để sát miệng cống

Bạn Trần Quốc Hùng, SV trường Kiến Trúc cho biết: “Nói thật nhìn thế này chúng em ăn cũng mất ngon, nhưng không ăn thì đói. Tiền nào của đấy thôi chị ạ. Với lại muốn ăn cơm bụi bụng dạ phải tốt”. Chỉ với 7.000 - 8.000 đồng, là các bạn SV hay bất cứ người lao động nào đã có một suất cơm với đầy đủ rau, thịt, trứng. Tuy nhiên, không ít SV đã phải cạch đến già những quán ăn bình dân kiểu này.

Bạn Thu Thủy, SV  ĐH Sư phạm kể lại: “Một lần ăn phải món thịt băm với mắm tép để lâu ngày ở quán cơm gần trường em về nhà đau bụng suốt ngày. Từ đó, nhìn thấy cơm bụi là em chào thua”. Cũng chính vì lẽ đó, mà nhiều SV thường tự nấu ăn để đảm bảo vệ sinh. Song, đó cũng chỉ là với SV nữ chứ SV nam thì lười nấu ăn nên tuần 7 ngày thì có tới 6 ngày cơm hàng, cháo chợ.

Tiền nào, của nấy

“Bán đắt thì khách không ăn, bán rẻ tất nhiên các món ăn cũng phải được lựa chọn để “cân đối”, một chủ quán đã không ngại ngần khi nói như vậy. Và để “cân đối” số thực phẩm phù hợp với túi tiền mà khách hàng bỏ ra, chủ quán chỉ còn cách mua thực phẩm loại “vét” trong mỗi lần đi chợ. Để lừa miệng thực khách, các chủ quán cơm có khi còn trộn thịt mới mua với thịt thừa từ hôm trước.

Thức ăn để trong tủ lạnh được đun lại liên tục, lúc nào cũng nóng sốt nên rất khó phát hiện, đâu là thức ăn tồn hay ôi thiu. Nhân viên ở một cửa hàng cơm trên đường Nguyễn Phong Sắc, cho chúng tôi biết: “Thực phẩm mà chủ quán mua ở chợ có khi là hàng tồn của hôm trước nên giá rẻ hơn nhiều so với thực phẩm tươi sống. Đến tối mà thức ăn ế quá thì cửa hàng đổ rau đi hết, còn thịt giữ lại hôm sau chế biến lại…!”.

Cô bé tên Mai còn hồn nhiên dẫn chứng: “Chị không biết chứ thịt luộc có thể chế biến thành món chả băm quấn lá lốt, đậu rán thì thành đậu sốt cà chua,…chẳng có thứ gì là đổ đi cả. Cái gì cũng tận dụng được hết”. Ông Đào Văn Hải - Giám đốc Trung tâm KTX Mễ Trì cũng đã đưa ra lời cảnh báo: “Có rất nhiều quán cơm bình dân xung quanh KTX và SV có thể gặp rắc rối với những quán cơm không được kiểm định vệ sinh như vậy”.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay chỉ có khoảng 60% các hộ kinh doanh đủ điều kiện cho các cơ sở thức ăn đường phố. Vì vậy, phần lớn các quán cơm bình dân đều kinh doanh theo kiểu tự phát. Thỉnh thoảng, một vài chiến dịch về VSATTP phát động thì tình trạng có cải thiện đôi chút nhưng rồi lại đâu vào đấy. Các quán cơm mọc lên ngày càng nhiều, làm ăn ngày càng phát đạt…

Ngọc Hân

Kỳ 2: Tiêu chuẩn nằm trong nhận thức