Hồi ức “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Những người thầy Xô-viết

ANTĐ - Nhìn lại chiến thắng vĩ đại “Điện Biên Phủ trên không”, có thể thấy một phần không nhỏ là sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô. 4 thập kỷ đã trôi qua, tình hình thế giới có nhiều đổi thay song tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước thuộc Liên bang Xô-viết trước đây vẫn tốt đẹp; cũng như tình thầy trò, bạn bè giữa các chuyên gia tên lửa Xô-viết với các cựu binh Việt Nam vẫn bền chặt, thủy chung. 

Các cựu chuyên gia tên lửa Xô-viết trong một lần trở lại Việt Nam và đến thăm Bảo tàng Phòng không không quân

Chiến công của tình hữu nghị

Ở khu tập thể K40 - Khương Thượng (Hà Nội) có một ông lão tạng người nhỏ nhắn, luôn lạc quan, vui vẻ với xóm giềng. Mọi người đều quý mến ông nhưng chẳng mấy ai biết, ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên ấn nút phóng tên lửa - thứ vũ khí hiện đại từng làm phi công Mỹ kinh sợ mỗi khi xâm nhập vùng trời miền Bắc Việt Nam. Ông là Đại tá Lã Đình Chi, năm nay vừa tròn 80 tuổi, nguyên sỹ quan điều khiển Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236 - Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.  

Lã Đình Chi sinh trưởng tại Nga Sơn (Thanh Hóa). Vào bộ đội một thời gian, nhờ rèn luyện phấn đấu tốt và có trình độ văn hoá, năm 1960, Lã Đình Chi được đưa sang Liên Xô học chuyên ngành kỹ sư cao cấp phòng không. Sau hơn 4 năm học tập, ông về nước và được bổ sung vào biên chế Tiểu đoàn tên lửa phòng không số 63, Trung đoàn 236; với vai trò sĩ quan điều khiển. Đây cũng là thời điểm các chuyên gia Liên Xô đầu tiên có mặt tại Việt Nam và trực tiếp huấn luyện kỹ thuật quản lý, sử dụng vũ khí tên lửa phòng không cho Trung đoàn 236. Nhờ vốn tiếng Nga khá tốt nên Lã Đình Chi và các chuyên gia Liên Xô nhanh chóng thân thiết với nhau. “Chúng tôi có tình cảm chân thành, hòa thuận của những người anh em và sự rung cảm, đồng điệu trong tâm hồn cũng như quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Các chuyên gia Liên Xô vừa là những người bạn thân thiết, vừa là những người thầy khả kính” - Đại tá Lã Đình Chi nhớ lại kỷ niệm về những người bạn Liên Xô như Trung tá chỉ huy tiểu đoàn Mazép; Thượng uý, sĩ quan điều khiển Constantinov; các trắc thủ Papusôp, Bônđarenco, Tinsencô...

Hồi đó, Đại tá Lã Đình Chi cùng nhiều sĩ quan khác được các chuyên gia tên lửa huấn luyện tại một địa điểm bí mật thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội.  Thời gian biểu của các chuyên gia và học viên kín mít, bình quân 10-12 tiếng/ngày. Với các chuyên gia Liên Xô, những khu rừng nhiệt đới khắc nghiệt, nóng bức nhưng độ ẩm cao và đầy muỗi vắt không làm họ giảm nhiệt tình giúp đỡ, huấn luyện bộ đội Việt Nam. Các binh sĩ Việt Nam thì dồn hết tinh thần và sức lực quyết tâm sớm nắm bắt, làm chủ được kỹ thuật sử dụng và chiến đấu bằng vũ khí tên lửa... Ngày cũng như đêm, trong những giờ học bị gián đoạn bởi tiếng còi báo động máy bay, thầy và trò miệt mài dạy và học dưới những mái nhà tranh dã chiến. Giờ thực hành trong những cabin điều khiển, sự bức xạ nhiệt khiến cabin nóng lên đến hơn 60oC, có lúc cả chuyên gia và học viên chỉ mặc độc một chiếc quần cộc; mồ hôi ròng ròng trên mặt chẳng kịp lau.

Loay hoay trong những cabin chật chội ấy, có những lúc bộ râu cằm rậm rì của Thượng uý, sĩ quan điều khiển Constantinov cọ vào vai Lã Đình Chi ngứa râm ran, khiến mấy anh em phì cười; quay lại nhìn nhau, ai nấy đều râu ria lởm chởm, mặt mũi hốc hác vì ngày đêm dồn sức vào huấn luyện, học tập... Trung tá Mazép, trưởng nhóm chuyên gia của Tiểu đoàn 63 là người có chuyên môn và tính kỷ luật cao, với bộ ria mép đầy cá tính. Mỗi khi hài lòng về các học viên, ông thường có thói quen dùng ngón tay trỏ bên trái miết vào một bên ria mép và nháy mắt như một lời khen ngợi. 

Trong quá trình huấn luyện, Lã Đình Chi rất tâm đắc và ghi nhớ sâu sắc điều mà các chuyên gia Liên Xô đã truyền đạt: “Người sĩ quan điều khiển giống như một tiền đạo trong bóng đá, nếu nhận được đường chuyền tốt của đồng đội mà không ghi được bàn thắng vào lưới đối phương thì coi như công sức của một tập thể bị đổ xuống biển!”... Sau gần 3 tháng, tất cả chuyên gia Liên Xô và học viên Việt Nam đều nóng lòng triển khai đội hình chiến đấu và chờ đợi thời cơ khai hỏa. Trận đánh mở màn của Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã diễn ra vào ngày 24-7-1965 do tiểu đoàn hoả lực 63 và tiểu đoàn 64 (Trung đoàn 236) tiến hành tại trận địa thuộc huyện Bất Bạt (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Trong trận đánh này, các chuyên gia Liên Xô trực tiếp tham gia chiến đấu cùng bộ đội Việt Nam. Với sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, họ đã bắn hạ 1 chiếc máy bay F4, khiến nó bốc cháy và rơi xuống địa bàn xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), viên giặc lái mang cấp hàm đại úy bị bắt sống. Trong trận đánh này, sĩ quan điều khiển ấn nút phóng tên lửa ở tiểu đoàn 63 chính là Thượng úy Constantinov. 

Những chuyên gia Liên Xô tham gia trận đánh đầu tiên của bộ đội tên lửa Việt Nam bắn rơi 1 máy bay F4 của Mỹ. Thượng uý Constantinov đứng thứ hai từ phải qua

Tình bạn thủy chung 

Để tạo yếu tố bất ngờ, từ giữa tháng 8-1965, Tiểu đoàn 63 được giao nhiệm vụ tổ chức trận địa mai phục tại nông trường Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình). Đây là trận đánh do bộ đội tên lửa Việt Nam hoàn toàn độc lập tiến hành với sự giám sát của các chuyên gia tên lửa Liên Xô. Đồng Giao là một trong những đầu mối tập kết và trung chuyển hàng hoá cho tiền tuyến lớn miền Nam, việc đưa lực lượng tên lửa phòng không bí mật triển khai phục kích đã gây bất ngờ cho máy bay Mỹ. 15h51 ngày 24-8-1965, nhiều tốp máy bay F-4H, A-7 của Hải quân Mỹ điên cuồng vào đánh phá kho hàng hóa tại thị trấn Đồng Giao. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Chính ủy Nguyễn Ly Sơn, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân và Chính trị viên Nguyễn Thành Đạt, kíp chiến đấu của tiểu đoàn gồm sĩ quan điều khiển Lã Đình Chi và các trắc thủ Khởi, Nghĩa, Pháo đã phóng liền 5 quả đạn, bắn rơi cùng lúc 3 chiếc máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái (trong đó có một trung tá). 

 “Là sĩ quan điều khiển, người ấn nút phóng tên lửa trong trận đánh này, cảm giác của tôi khi đó rất khó tả, thật hạnh phúc vì mình đã không để uổng phí công sức của một tập thể” - Đại tá Lã Đình Chi nhớ lại... Ngay sau trận đánh, các chuyên gia Liên Xô có mặt chứng kiến lao tới ôm hôn, công kênh chúc mừng các đồng nghiệp Việt Nam đã làm chủ được vũ khí tên lửa, thao tác chiến đấu rất thuần thục và hiệu quả. 

Từng bước, bộ đội tên lửa Việt Nam nắm bắt và làm chủ được vũ khí, thì các chuyên gia Liên Xô lần lượt trở về Tổ quốc. Họ mang theo những tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Các chuyên gia Liên Xô đều không thể quên được hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam sẵn sàng lấy thân mình che chở cho họ mỗi khi máy bay Mỹ xuất hiện đánh phá các trận địa tên lửa. Sau những trận chiến đấu họ lại được đại diện chính quyền và nhân dân địa phương đến thăm và trao tặng những sản vật nhiệt đới như chuối, dứa, mít... Sau này, nhiều cựu chuyên gia tên lửa Xô-viết đã trở lại thăm Việt Nam và gặp lại những người bạn, những người học trò cũ. Họ đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng. Mới đây nhất, tháng 7-2011 cựu chuyên gia Constantinov đã đưa vợ sang thăm Việt Nam và đến thăm gia đình Đại tá Lã Đình Chi.

Đại tá Lã Đình Chi (bên phải)

Thượng úy, sĩ quan điều khiển Constantinov, sau này trở thành giáo viên Học viện sĩ quan chỉ huy phòng không Giucốp ở Calinin. Khoảng đầu năm 1990, thông qua một sĩ quan Việt Nam là học trò của mình tại Học viện, Đại tá Constantinov đã gửi thư và quà lưu niệm cho Đại tá Lã Đình Chi, nhắc lại những kỷ niệm không thể phai mờ trong những ngày cùng chiến đấu bên nhau. Ngày 20-4-1990, Đại tá Lã Đình Chi đã có thư hồi âm cho người bạn, người thầy của mình - bức thư này được đăng trong tập hồi ký “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)”, do Nhà xuất bản Ekjamin ấn hành tại Matxcơva năm 2005. Trong thư, có đoạn: “Xin chào người bạn yêu quý và kính mến của tôi - đồng chí đại tá Constantinov! Tôi nhận được thư anh qua đồng chí Xuân. Đã 25 năm trôi qua và chúng ta chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành những ông già, nhưng trí nhớ của tôi vẫn quay về những ngày xa xôi của thời chiến. Đặc biệt là cái ngày 24-7-1965 không thể nào quên ấy, khi chúng ta cùng nhau ăn mừng chiến thắng đầu tiên... Anh hãy gửi lời chào của tôi tới tất cả các đồng chí từng tham dự trận đánh ngày  24-7-1965! Tôi xin gửi tới họ lòng kính yêu sâu sắc cùng lời cảm ơn về tất cả. Với lòng kính trọng, tôi xin gửi tới anh và toàn thể gia đình anh lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất trong cuộc sống - chúc sức khoẻ dồi dào và hạnh phúc cho toàn gia đình và người thân của anh!”.