Lễ hội chợ tình Khau Vai: Ngày càng biến dạng

(ANTĐ) - Hàng năm vào ngày 27-3 Âm lịch, họ tìm về đây gặp lại người xưa để cùng nhau ôn lại kỷ niệm và sẻ chia nỗi vui buồn hiện tại. Đó là nét đặc trưng của hội chợ Khau Vai nhưng tiếc thay, sự can thiệp khách quan đã khiến những nét đẹp kia ngày càng mai một, biến dạng.

Lễ hội chợ tình Khau Vai: Ngày càng biến dạng

(ANTĐ) - Hàng năm vào ngày 27-3 Âm lịch, họ tìm về đây gặp lại người xưa để cùng nhau ôn lại kỷ niệm và sẻ chia nỗi vui buồn hiện tại. Đó là nét đặc trưng của hội chợ Khau Vai nhưng tiếc thay, sự can thiệp khách quan đã khiến những nét đẹp kia ngày càng mai một, biến dạng.

Say cùng men rượu

“Đợi anh hết mùa lanh/ Đợi anh qua mùa đào/ Vượt đỉnh Mã Pí Lèng/ Ta tìm về chợ tình Khau Vai…” câu hát thôi thúc bao con tim tìm về với chợ tình Khau Vai (hay còn gọi là chợ phong lưu), mong gặp lại người xưa để được sống những giây phút riêng tư mà mỗi năm chỉ có một ngày. Ngay từ chiều hôm trước (26-3 Âm lịch), đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy… từ các vùng lân cận đã về chợ đông như trẩy hội. Chẳng quản ngại núi non hiểm trở, hàng nghìn người từ Cao Bằng đã vượt đỉnh Mã Pí Lèng hay xuôi theo dòng Nho Quế đến chợ, với ước mong tìm lại người xưa. Biết bao du khách mê mẩn nét phong lưu của chợ mà chẳng ngại vượt núi đèo hiểm trở, tìm đến mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang chỉ để một lần hòa lòng mình vào giai điệu khèn du dương mời gọi bạn tình hay say sưa cùng men rượu ngô cay nồng.

Sẽ tốt hơn nếu cấp quản lý để người dân tộc thiểu số nơi đây tự tổ chức phiên chợ tình Khau Vai, như cách họ vẫn làm suốt 100 năm qua
Sẽ tốt hơn nếu cấp quản lý để người dân tộc thiểu số nơi đây tự tổ chức phiên chợ tình Khau Vai, như cách họ vẫn làm suốt 100 năm qua

Trước đây, Khau Vai là chợ của những mối tình trắc trở nhưng ngày càng có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để tìm bạn tình và nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Cùng với đó, nhiều người Kinh từ dưới xuôi cũng tìm đến đây để buôn bán hay chỉ đơn thuần là đi chơi chợ. Và cứ thế, chợ “phong lưu” biến đổi dần theo thời gian. Vẫn con đồi nhỏ dài chưa đầy 200 mét, vẫn những túp lều đơn sơ chạy dài hình cánh cung nhưng mục đích và thành phần người đến chợ đã đổi thay rất nhiều. Ngày càng thấy ít đôi lứa người dân tộc ngồi hàn huyên tâm sự, quả đồi nhỏ giờ đã trở thành nơi cắm trại, tụ tập của những nhóm người tứ xứ về đây dự chợ. Không gian tĩnh mịch, lãng mạn của “đêm tâm sự” bị phá tan bởi tiếng hò hét, cười đùa vô ý thức của những người ngoài cuộc. Khu chợ tình ngày càng nhạt nhẽo.

Mất hút trước “cơn cuồng phong”

Theo quan niệm của người Mông (tộc người chiếm 80% dân số nơi đây) thì đã đến chợ tình này là phải uống rượu và phải uống thật say, như vậy mới thật lòng. Cứ thế, những lứa đôi vừa hàn huyên tâm sự, vừa cùng nhau say men rượu ngô cay nồng trong tiếng khèn réo rắt mời gọi bạn tình. Hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ người Mông uống rượu đến say mèm, ngủ ngay trên đường về… đã trở thành một trong những nét văn hóa của phiên chợ tình độc đáo này.

Nhưng theo thời gian, tác động của thương mại hóa và từ chính cấp quản lý khiến chợ tình Khau Vai dần mất đi vẻ mộc mạc ngày nào. Không chỉ còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò, chợ giờ còn bày bán đủ thứ hàng hóa. Từ sim thẻ điện thoại, các vật dụng gia đình đến đủ thứ dịch vụ “ăn theo” như trông xe, gửi đồ cùng nhiều hình thức giải trí như chơi bi-a, hát karaoke… Mỏi mắt tìm mới thấy một vài quán hàng bán những món ăn mang hương vị đặc trưng nơi đây như thắng cố, mèn mén, mỳ tàu... bị che khuất bởi nhan nhản những biển hiệu quảng cáo. Nếu không có lác đác người dân tộc mang trên mình những bộ quần áo sặc sỡ, du khách rất dễ nhầm tưởng như đang đi trong một ngôi chợ miền xuôi. Nhiều du khách đến đây đã không giấu nổi thất vọng, thậm chí đau lòng khi chứng kiến một phiên chợ tình đầy chất thơ đã gần trăm năm tuổi đang dần mất hút trước “cơn cuồng phong” của thương mại hóa.

Mới đây, chợ tình Khau Vai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Đó là động lực khiến Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Hà Giang cùng UBND huyện Mèo Vạc quan tâm và đề ra nhiều giải pháp nhằm phục dựng và quảng bá hình ảnh phiên chợ độc đáo này. Tiếc thay, sự can thiệp “quá tay” khiến những nét đẹp của chợ tình Khau Vai ngày càng thui chột. Từ việc treo băng rôn màu mè suốt dọc đường đi đến tổ chức các loại hình giải trí hiện đại, cho phép buôn bán tràn lan đủ loại mặt hàng trong khuôn viên chợ hay kết hợp một phiên chợ vùng cao với hội chợ thương mại... đang làm mất đi vẻ đẹp vùng cao nguyên đá hoang sơ.

Sẽ tốt hơn nếu cấp quản lý để cho người dân các dân tộc tự tổ chức lễ hội - như cách họ vẫn làm suốt cả trăm năm qua, đó mới là cách phục dựng hình ảnh chợ tình Khau Vai và phát triển du lịch hiệu quả. Bởi đơn giản, chẳng phải chờ đến những băng rôn chỉ đường dẫn lối, du khách mới tìm đến được Khau Vai, và họ đến đây là để khám phá nét đẹp hoang sơ, mộc mạc của phiên chợ tình có một không hai chứ đâu phải đến để mua sim thẻ điện thoại, hát karaoke hay mua những thứ đồ hiện đại ở hội chợ thương mại kia.                 

Thuần Thư