Hà Nội tháng chạp 1972

(ANTĐ) - Hà Nội, những ngày tháng chạp năm 2007, thành phố như bức tranh với những mảng màu phong phú, hấp dẫn. Từ nội thành tràn ra năm cửa ô, bên cạnh nét cổ kính và thâm nghiêm của Thăng Long xưa, ở đâu ta cũng bắt gặp những công trình mới.

Hà Nội tháng chạp 1972

Kỳ 1: Lấy thịt đè người

(ANTĐ) - Hà Nội, những ngày tháng chạp năm 2007, thành phố như bức tranh với những mảng màu phong phú, hấp dẫn. Từ nội thành tràn ra năm cửa ô, bên cạnh nét cổ kính và thâm nghiêm của Thăng Long xưa, ở đâu ta cũng bắt gặp những công trình mới.

Những khu nhà đang lên tầng, đêm đêm ánh đèn cần cẩu hòa lẫn ánh sao trời. Những khách sạn, khu đô thị mới đẹp, trẻ trung, bề thế. Những nhà máy hiện đại, khu công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Những khu phố sầm uất, những con đường rợp bóng cây xanh… Tất cả  làm cho gương mặt vốn trầm tĩnh của Hà Nội càng thêm rực rỡ, sinh động.

Xác máy bay B52 Mỹ tại bảo tàng Chiến thắng B52
Xác máy bay B52 Mỹ tại bảo tàng Chiến thắng B52

Đi tìm trầm tích

Người Hà Nội vốn không ưa ru mình trong hào quang chiến thắng cũng như dân tộc này biết khép lại quá khứ - xây dựng và hy vọng vào tương lai. Những dấu tích đổ nát và cả chiến công oai hùng ngày ấy đã nhường chỗ cho cuộc sống bình yên và gương mặt khang trang tươi tắn của Hà Nội hôm nay. Bởi thế đi tìm “dáng đứng” của một cuộc chiến đấu đã lùi sâu vào quá khứ 35 năm quả là điều không mấy dễ dàng.

Ở một góc khuôn viên Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi nhận ra một cảnh tượng khá lý thú; trên đám đất không rộng lắm, xác chiếc máy bay B52 đầu tiên bị tên lửa ta bắn hạ trên bầu trời Hà Nội trong cuộc đọ sức 12 ngày đêm năm ấy. Những mảng vỡ cháy nham nhở, xếp ngổn ngang, kỳ dị như bộ xương quái vật thời tiền sử. Những dòng chữ và cái biểu tượng về con “át chủ bài” mang đặc phong cách Mỹ, nằm bẹp hoen gỉ lấp ló như cố tình tránh trốn người đời. Gần đấy là bệ phóng tên lửa, chiếc cung thần của chàng Thạch Sanh xưa đã phóng quả đạn thiêu cháy nó, là đài rađa đã phát hiện tốp B52 đầu tiên lẻn vào đánh phá Hà Nội…

Từ những địa điểm khác nhau chúng được đưa về đây làm vật chứng lịch sử. Một cuộc gặp gỡ đầy thú vị giữa người chiến thắng, kẻ chiến bại, giữa sức mạnh văn hóa truyền thống phương Đông và kỹ thuật chiến tranh hiện đại Mỹ.

Bên kia hàng rào thấp là con đường Trường Chinh nhộn nhịp, là cuộc sống sôi động của Hà Nội không ngừng đổi mới. Trong dòng người xe với đủ các gương mặt, lứa tuổi, vị thế xã hội ấy có ai biết nơi đây vẫn lưu giữ một “con mắt thần”, một “tấm chắn” đã bảo vệ hữu hiệu Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa? Và có ai biết người Hà Nội hào hoa thanh lịch đã đập nát ý chí điên rồ của đế quốc Mỹ trong cuộc đọ sức trên vùng trời Thăng Long như thế nào? Đó là trầm tích mà người Hà Nội đã làm nên trong trận “Điện Biên Phủ trên không” - tháng 12 - 1972.

Sau nhiều năm theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ liên tiếp vấp phải thất bại, Nixon - vị tổng thống “khát vọng chiến tranh” của nước Mỹ, một mặt muốn rút chân ra khỏi vũng bùn ô nhục, mặt khác lại muốn duy trì chế độ bù nhìn Sài Gòn.

Tháng 4-1972, sau một thời gian tạm ngừng, Mỹ ném bom trở lại miền Bắc nước ta, chiến dịch mang tên Linebaker I. Mục tiêu là đánh phá các chân hàng và các trục đường giao thông huyết mạch, trọng điểm vùng khu IV cũ, ngăn chặn việc tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Cái giá chúng phải trả cho âm mưu này quá đắt. Hàng nghìn máy bay chiến thuật đã bị bắn cháy, hàng trăm phi công bị bắt sống, hoặc bị tiêu diệt. Và dòng máu nóng nối liền hậu phương với tiền tuyến chưa một ngày ngừng chảy.

Hội nghị Paris kéo dài nhiều tháng mà vẫn không đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Việt Nam.

Một tháng trước ngày nước Mỹ tiến hành bầu Tổng thống nhiệm kỳ 1973–1977, hai phái đoàn đàm phán Việt – Mỹ ở Hội nghị Paris đã nhất trí về mọi điều khoản cho một Hiệp định hòa bình sẽ được ký tắt tại Hà Nội vào ngày 19-10-1972 và sau đó ký chính thức tại Paris ngày 31-10-1972.

Trò lật lọng trơ trẽn

Thế nhưng ngay sau khi thắng cử, Nixon liền trở mặt. Tất cả những lời lẽ cam kết được ông ta tung ra trong cuộc tranh cử, nào là “hòa bình trong tầm tay”, “một giải pháp hòa bình đã có”, v.v… đã bị chính Nixon nuốt trôi. Sự giả dối của Nixon còn bị nhân dân Mỹ lật tẩy sau đó vài tháng trong vụ án đáng xấu hổ Watergate, Nixon phải từ chức. Quay lại với thời điểm tháng 12-1972.

Trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ, Kissinger, sau khi bàn bạc, thảo luận với Nixon, từ Nhà trắng bay tới, đòi chúng ta phải thay đổi tới 126 điểm. Có ai biết đằng sau cái trò lật lọng trơ trẽn này, Nixon nuôi hy vọng chiến thắng bằng bom đạn. Tất cả những gì Kissinger co kéo ở bàn đàm phán, mềm mỏng và cứng rắn, cứng rắn rồi mềm mỏng, hoặc bằng thủ đoạn mồi chài qua trung gian chẳng thành thì bom B52 sẽ hỗ trợ. Đó là triết lý của kẻ chuyên lấy thịt đè người.

Trước khi tiến hành chiến dịch dùng B52 ồ ạt ném bom Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ đã mở một đợt đánh phá dữ dội các chân hàng và các tuyến giao thông khu vực Tân Kỳ, Đô Lương (Nghệ An). Đó là nước cờ thăm dò cuối cùng với hai mục đích: Cắt đứt sự chi viện từ hậu phương cho chiến trường miền Nam, làm suy yếu sự tấn công mùa khô của quân giải phóng và kéo lực lượng phòng không ở địa bàn Hà Nội vào đây. Riêng tháng 11-1972, Mỹ đã sử dụng 1.213 lần chiếc B52 đánh phá Khu 4.

Khi đã rời khỏi chiếc ghế Tổng thống, Nixon viết trong hồi ký: “Ngày 14-12-1972, tôi ra lệnh tiếp tục thả mìn cảng Hải Phòng và tiến công bằng B52 vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ba ngày sau lệnh có hiệu lực. Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi trong cuộc chiến tranh này”.

Cái mà Nixon gọi là “quyết định khó khăn nhất” là chiến dịch Linebaker II, cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Bằng tính toán này, Nixon nghĩ rằng sẽ “san bằng Hà Nội” trong ba tuần lễ, tạo nên một “cú sốc ồ ạt, bất ngờ nhất”, đẩy dân chúng tới chỗ hoang mang sợ hãi, tạo “sức ép từ bên trong” đòi Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận những đòi hỏi của Mỹ. Với cách nghĩ ấy, quả thực kẻ cầm đầu bộ máy chiến tranh Mỹ không hiểu gì về con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Trong lịch sử chống giặc giữ nước của chúng ta, nhiều kẻ thù đã chuốc lấy thất bại vì sự tính toán sai lầm như vậy và lần này Nixon cũng không thoát khỏi vết xe đổ.

Ngày 18-12-1972, phái đoàn đàm phán ta từ Paris về đến Hà Nội,  trước đó mấy tiếng đồng hồ những chiếc B52 mang đầy bom cũng được lệnh cất cánh từ căn cứ Anderson trên đảo Guam. Khi cố vấn Lê Đức Thọ vừa về tới nhà, chưa kịp nghỉ ngơi sau chặng bay dài mệt mỏi và sự căng thẳng trong cuộc hòa đàm thì những trái bom B52 độc ác đã rơi xuống Hà Nội. Chiếc máy bay chở ông - HB.195 đậu vừa yên chỗ ở sân bay Gia Lâm được vài giờ đã bị một quả bom làm hỏng.                  

(Còn nữa)

L.V.V