Chuyện phát lộ “kho báu bị yểm bùa” (2): Lý giải tin đồn oan hồn trinh nữ

ANTĐ - Theo khẳng định của chính quyền huyện Nam Sách, ông Vụ đã mắc trọng bệnh từ hơn một năm nay. Năm 2011 ông cũng từng phải nghỉ một thời gian dài để chữa trị căn bệnh đại tràng. Sự ra đi của ông không phải là “bất đắc kỳ tử” như những lời đồn.

Oan hồn trinh nữ

Suốt mấy đêm liền, người dân quanh khu vực công trường cho biết thấy đơn vị mời pháp sư về làm lễ. Trong ngoài được canh gác cẩn mật. Dân chúng quanh vùng kéo tới xem đặc kín khu vực trước cổng công trường. Buổi làm lễ lại diễn ra vào ban đêm càng làm không khí ở đây thêm phần ma quái.

Anh Đỗ Văn Hòa ở khu vực ga Tiền Trung cách đó khoảng 7km cũng mò vào theo dõi sự tình còn khẳng định, nửa đêm, pháp sư mới bắt đầu ra tay làm phép. Trước khi làm phép, thầy pháp sư tận Hải Phòng còn dặn dò những người xung quanh, có xem thì xem, nhưng xem xong thì bấm nhau đi về chứ đừng gọi tên kẻo những oan hồn trinh nữ được trấn yểm nơi đây theo về bắt người. Anh Tuấn, một người dân trong huyện còn cam đoan, chỗ những mô đất nơi tìm thấy 9 chiếc chum sau khi được làm phép phát hiện âm khí bắn lên rất lâu mới hết. Vị pháp sư còn khẳng định, đã trục hết 9 oan hồn trinh nữ ở đây, mọi người cứ yên tâm. Trong vòng một tuần, vị pháp sư nọ đã dựng đàn làm phép hai lần. Cả hai lần đều có những tiếng động lạ phát ra quanh khu vực công trường. Vậy Nghị Dong là ai mà chỉ nghe đến tên nhiều người đã liên tưởng đến những câu chuyện ma quái?

Chiếc bể với nhiều chữ Hán ở khu vực công trường

Bí ẩn những tin đồn

Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Lịch - thôn Si, thị trấn Nam Sách, Nghị Dong xưa kia là một đại phú hộ ở địa phương. Ông ta được ở khu nhà biệt thự dành cho người Pháp. Đất đai của Nghị Dong nhiều đến nỗi, ở thị trấn Nam Sách ai cũng cho rằng mình đang ở trên đất của ông Nghị xưa kia. Các cụ cao niên ở Nam Sách khẳng định, thời đó, quanh vùng chẳng có nhà nào giàu bằng nhà ông Nghị, các hũ bạc từng tìm thấy đều là của Nghị Dong chôn xuống đất cho con cháu sau này. Cứ ở đâu từng đào được bạc, ở đó xưa kia là đất của ông Nghị. Nghị Dong thời bấy giờ vừa có tiền, vừa có quyền. Chẳng thế mà ông là một trong số ít những người được ở khu biệt thự của Pháp. Căn nhà vừa bị phá là ngôi biệt thự cũ của ông. Người dân quanh vùng vẫn thường gọi đây là căn nhà bốn mái với thiết kế cổ của Pháp.

Căn biệt thự từng được xem là biểu tượng của sự giàu sang của ông Nghị còn được nhân dân gắn với thời kỳ đen tối bị thực dân Pháp đô hộ. Nhiều người khẳng định, căn nhà trước đây từng được sử dụng làm nơi giam giữ những chiến sỹ Việt Minh. Nhiều cán bộ, chiến sỹ bị bắt giam trong đó và có cả những người không bao giờ trở ra. Sau này, khi giải phóng, căn nhà lại được sử dụng làm nơi giam giữ tù nhân của chính quyền. Tuy nhiên, các cụ cũng khẳng định, khi sinh thời, Nghị Dong được coi là một người yêu nước, thương dân, ông từng nuôi giấu rất nhiều cán bộ, cứu những người bị giam cầm trong căn biệt thự đó.

Sự giàu có, thế lực của Nghị Dong xưa kia đã khiến người dân liên tưởng đến những hũ vàng hũ bạc còn chôn giấu. Các cụ cũng khẳng định, của cải của ông Nghị còn nhiều lắm. Nhưng chắc chắn ông đã cho trấn yểm chỉ để cho con cháu ông được hưởng. Ngày nay, hầu hết đất của Nghị Dong xưa kia giờ đã chuyển chủ, con cháu của ông Nghị cũng tản đi khắp nơi, nhưng chưa thấy ai tuyên bố là đã tìm được kho báu ông để lại. Duy chỉ còn lại mảnh đất vốn trước đây dùng làm trường cấp 2 của thị trấn, sau này dùng làm thư viện và giờ đang được xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện là chưa bị đào xới. Thêm việc trước đây từng đào được hũ bạc càng làm dân chúng tin rằng đây chính là nơi Nghị Dong cất giấu của cải.

Tin đồn vẫn chỉ là tin đồn, cho đến nay, đơn vị thi công đã kết thúc quá trình đào móng, đang chờ nghiệm thu. Chuyện trấn yểm cũng vẫn được truyền miệng bay đi khắp nơi. Giờ thì, ngoài những chuyện âm hồn hư hư thực thực, người dân ở đây lại có thêm một chút tiếc nuối. Người trẻ thì chưa nhận ra, nhưng những bậc cao niên đã ngậm ngùi, ngôi biệt thự cổ lộng lẫy một thời, chứng tích của biết bao thăng trầm lịch sử, giờ đã bị san phẳng, tiếc cho một công trình kiến trúc cổ giờ đã hoàn toàn biến mất. Vẫn biết, ngôi biệt thự cũng đã quá cũ, xuống cấp nhưng đó còn là lịch sử, là vẻ đẹp mà Nam Sách cần lưu giữ.