Ám ảnh những thân phận của phụ nữ vùng cao bị lừa bán

ANTĐ - Từ vùng cao trở về, tôi cứ bị ám ảnh mãi về thân phận của những người phụ nữ ở đó quá bèo bọt và rẻ rúng.

Cuộc sống khốn khó và nhận thức lạc hậu đã khiến họ vùng vẫy mong tìm một cơ hội đổi đời. Nhưng điều mà họ coi là “cơ hội” đó giống như một cuộc đánh cược với số phận. Mấy năm nay, nhiều cô gái vùng cao bị lừa bán qua các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nhiều người vì hoàn cảnh đưa đẩy mà vượt biên trái phép, sang Trung Quốc hành nghề mại dâm và bị bắt. Lưu lạc nơi đất khách quê người, người may mắn thì trốn được khỏi “nanh vuốt” của những kẻ buôn người, sau đó lấy chồng Trung Quốc và sinh con. Khi trở về, những người mẹ buộc phải xa đứa con mình rứt ruột đẻ ra không hẹn ngày gặp lại. Nhiều cô gái bị bắt vào động mại dâm và thành một thứ hàng hóa cho khách làng chơi, thân tàn ma dại.

“Nếu được quay lại thì không lấy chồng Trung Quốc”

Đó là tâm sự của cô Giàng Thị Lự, vừa tìm về nhà sau 5 năm biền biệt. Ngôi nhà của Giàng Thị Lự nằm cheo leo dưới chân núi thuộc thôn Tả Chải, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ngôi nhà vốn tăm tối của gia đình người Mông này đang chộn rộn tiếng cười, nói. Lự vừa từ Trung Quốc trở về đến đăng ký tạm trú tại Đồn Biên phòng Bản Máy. Cả nhà cứ nghĩ, cô đã mất tích. Bốn năm trước, khi Lự bỏ nhà đi sang Trung Quốc kiếm việc làm, mẹ và em gái là Giàng Thị Dọa cũng lang thang sang đó hai tuần trời, mò mẫm khắp nơi mà không thấy tăm hơi. Biết chắc con gái bị bắt cóc, hai mẹ con khóc ròng và vội trở về vì “sợ bị bắt cóc tiếp”. Thế rồi, cả nhà chắc mẩm, Lự mất tích thật.

Việc Lự trở về, lành lặn và khỏe mạnh là một điều kỳ diệu. Bố mẹ cô ngỡ ngàng, ôm con chỉ biết khóc. Lự cũng không biết mình đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Cô không biết nói tiếng Kinh vì nhà nghèo quá không đi học. Chỉ có em gái, cô Giàng Thị Dọa học hết lớp 9 là phiên dịch cho chúng tôi.

Trong lá đơn tố giác Lự nhờ một người cùng xóm viết hộ, cô kể lại câu chuyện cách đây 5 năm: “Năm 2006, tôi cùng hai người bạn sang Trung Quốc làm thuê, đến Tung Lung gặp bà Giàng Thị Siến, người cùng thôn đang làm thuê rửa quặng ở đó. Tối hôm đó có 3 người đàn ông Trung Quốc rủ đi chợ Tung Lung chơi, được một lúc thì một trong 3 người kéo tôi lên xe và chở đi đâu không biết, sau đó tôi mới biết đến Mã Quan và nghỉ ở đây một ngày một đêm. Sau đó, họ lại đưa tôi đi đâu không rõ. Hôm sau có một người đàn ông Trung Quốc khác là chồng tôi bây giờ, người bắt cóc tôi bảo tôi đi cùng người đàn ông này. Sau này tôi hỏi chồng mới biết chồng đã mua tôi với giá 2.000 Nhân dân tệ (tương đương với 60 triệu đồng Việt Nam). Chồng tôi cũng cho biết lý do tôi bị bán xuất phát từ bà Siến”.

Lự sống lặng lẽ như cái bóng, suốt ngày khóc vì nhớ nhà. May mắn cô gặp một người đàn ông yêu thương mình. Cô đã có một gia đình yên ấm và cô con gái 4 tuổi. “Nhà bên đó giàu hơn bên này, họ ở nhà xây cơ”. Lự tự học tiếng Trung và xin được làm phát thanh viên ở một xã gần nhà. “Chồng đối xử với em tốt và em cũng yêu chồng. Nhưng lúc đầu sang em hoang mang lắm, khóc suốt ngày. Phải 3 năm sau em mới không khóc, nhưng lúc nào cũng nhớ nhà”.

“Thế sao phải đến 5 năm em mới về thăm nhà”. “Vì em không có tiền. Giờ em đi làm một tháng được 1.200 tệ, gom góp mãi mới có tiền về. Hôm về, chồng cho em 100 tệ. Đi đường hết 900 tệ rồi. Giờ chỉ còn 800 tệ thôi. Để mấy tháng nữa lại sang”. Lự nói rành rọt và không còn vẻ đau khổ, nhưng sao tôi vẫn thấy xót xa. Phận đàn bà, sao mà bèo bọt. Dù được chồng yêu thương, và yêu chồng, nhưng khi hỏi, nếu được quay lại, cô có lấy chồng Trung Quốc nữa không, Lự vẫn bẽn lẽn trả lời: “Em muốn về Việt Nam, lấy chồng Việt Nam…”.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Lự khi đánh cược cuộc đời mình vào canh bạc may rủi của số phận.

Ngổn ngang lòng người mẹ trẻ

Vũ Thị Trà My (SN 1988, xã Quang Minh, Bắc Quang, Hà Giang) là một trong 18 cô gái vừa được phía công an Trung Quốc trao trả qua đường cửa khẩu Thanh Thủy ngày 27/10 vừa qua. My còn trẻ nhưng trông tiều tụy và mệt mỏi. Trong số 18 cô gái, My đáng thương và tội nghiệp hơn cả.

Vừa khóc, cô vừa kể: “Em bị lừa bán sang Trung Quốc từ tháng 7/2010. Chị Huyền rủ em cùng hai thanh niên đi xe máy đến địa phận xã Cốc Pài, huyện Xín Mần để leo đỉnh núi Tây Côn Lĩnh chơi. Em chưa đi đâu ra khỏi nhà quá 10km, cũng định không đi, nhưng chị Huyền thuyết phục nên em đồng ý đi trong ngày. Đến cửa khẩu Cốc Pài, chúng đưa em và chị Huyền vào một quán sát biên giới, sau đó cho hai chị em uống thuốc mê. Chúng em ngủ lịm đi từ lúc 1 giờ chiều đến khoảng 7 giờ tối tỉnh giấc thì thấy mình đã nằm trong một ngôi nhà hoang vắng ở nước bạn. Em được biết, Nam và Dương (tên hai thanh niên) đã bán em và chị Huyền cho những người Trung Quốc. Họ tách hai đứa hai nơi, từ đó không có tin tức gì của nhau nữa”.

My hoang mang không biết số phận mình sẽ ra sao bởi chúng đưa My đi rất xa, cố tình làm mất dấu đường về. Rồi cô bị bán tiếp cho một kẻ buôn người khác. Những người lạ mặt lại tiếp tục đưa cô từ thành phố đến một khu rừng.

My nhớ mãi những ký ức sợ hãi đó. “Em bị canh giữ cẩn mật 24/24h. Tuyệt vọng, em chỉ biết khóc vật vã. Hai vợ chồng chủ nhà thương tình, họ để cơm trước mặt cho em ăn hai lần. Họ chỉ nói với em từ duy nhất là “kin khẩu” (ăn cơm). Em sống với họ như một người câm. Một buổi sáng, thấy người đàn bà đi nấu cám lợn, còn người đàn ông lớn tuổi thì đang lúi húi ngoài vườn, kẻ mua em định mang đi bán thì đang ngủ say nên em thừa cơ trốn một mạch vào rừng. Đi miệt mài, khoảng vài tiếng sau thì em thấy một con đường lớn. Em mệt lả, ngồi phệt xuống ven đường thì một người đàn ông xuất hiện. Anh ấy hỏi em bằng tiếng Trung, nên em không hiểu gì cả. Nhưng em chẳng biết bấu víu vào đâu nên theo anh ấy lên xe. Anh đưa em về nhà”.

My ôm mặt khóc. Chưa hết nỗi sợ này thì đến nỗi sợ khác. My cứ sống lặng lẽ như một cái bóng trong ngôi nhà toàn những người xa lạ. Chỉ có người đàn ông đã cứu cô về là thân thiết qua những cử chỉ ân cần. Hơn hai tháng sống ở đó, tình cảm bắt đầu nhen nhóm trong cô. Mãi sau này, My mới biết ân nhân của cô tên là Dần Tì Piên. My nhớ nhà, và muốn được quay trở về tìm mẹ, nhưng Piên không cho đi và xin gia đình cưới My làm vợ. Cuộc hôn nhân không đám cưới, không hôn thú đã cho ra đời một bé trai kháu khỉnh nay đã sáu tháng tuổi. My chăm con, làm việc nhà và không dám đi đâu ra khỏi nhà.

Nhưng rồi vợ chồng cãi nhau. Nơi xứ người, My chả biết bám víu vào đâu. Cô lang thang một mình ở công viên và có ý định về Việt Nam thăm mẹ. “Em gặp một người lạ mặt. Họ hỏi em có muồn về nhà không? Em nói: “Có”, thực ra lúc ấy em nói trong vô thức thôi. Không ngờ vài phút sau, Công an Trung Quốc ập đến bắt giam em suốt một tháng. Em tức sữa, nhớ con cồn cào”.

My lại khóc. Cô gọi điện thoại cho chồng, nói anh đến đón về, hoặc tìm cách cho gặp con… Nhưng mãi vẫn không thấy bóng dáng chồng đâu. Cô chỉ nhận được một cuộc điện thoại lạnh lùng: “Khi nào em sang được Trung Quốc cứ gọi điện để anh đón”. Rồi biệt tăm. My cũng không nhớ địa chỉ nhà chồng. Cô chỉ biết khóc và khóc. Cô mất ngủ hàng đêm vì ám ảnh bởi tiếng khóc gào thét đói sữa của con  trai. Hình như My cũng lờ mờ nhận ra, họ chỉ cần con trai cô chứ đâu có cần sự có mặt của cô. Lòng bà mẹ trẻ rối bời. Liệu có cơ hội nào cho My gặp lại con?

Trong chuyến đi vùng cao lần này, tôi gặp và nghe kể rất nhiều về những mảnh đời lưu lạc buồn như vậy. Nhiều cô gái ra đi bặt vô âm tín. Nhiều cô may mắn trở về với những ký ức kinh hoàng vì bị bóc lột hành nghề ở các động mại dâm. Nhưng rồi, vẫn người trở về, kẻ ra đi. Những cuộc lưu lạc ấy vẫn chưa hề dừng lại ở những mảnh đất khốn khó này?

Thiếu tá Nguyễn Đình Quảng, Trưởng đồn Biên phòng Thanh Thủy, Hà Giang:

Số nạn nhân được bàn giao về biên giới từ đầu năm đến nay khoảng hơn 200 người. Chủ yếu là phụ nữ bị lừa bán qua các cửa khẩu khác như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Trên thực tế, có rất nhiều chị em vì hoàn cảnh đưa đẩy đã vượt biên trái phép, sang Trung Quốc hành nghề mại dâm và bị bắt. Qua xử lý các vụ việc liên quan, chúng tôi thấy bọn tội phạm thường hứa hẹn cho sang Trung Quốc làm việc nhàn hạ, nhiều tiền. Sau đó, chúng lừa bán họ với giá cao hoặc môi giới lấy chồng Trung Quốc. Thậm chí có những cô hành nghề mại dâm hơn một năm, chủ các “động” mại dâm nợ tiền công, hứa đến khi nào các cô ấy về thì sẽ trả tiền. Khi chị em đòi tiền hoặc chống đối, có ý muốn bỏ sang nơi khác “hành nghề”… họ liền bị chủ báo công an bắt về đồn, trao trả về Việt Nam.

Nhiều trường hợp bị lừa bán, phải làm vợ những người xa lạ mà không hề có bất cứ thủ tục hợp pháp nào. Trong thời gian sinh sống, các cô sinh con cho người Trung Quốc, có người chỉ cần đứa con, họ quay sang hắt hủi vợ “hờ”, nên tìm cách báo cho công an đến bắt để trả về nước. Nếu My muốn kết hôn phụ thuộc nhiều vào người chồng của cô bên Trung Quốc. Anh là phải làm các thủ tục kết hôn với người nước ngoài. Nhưng nếu chồng cô không chủ động xin kết hôn với My, có nghĩa là cô khó có cơ hội để gặp lại đứa con mình rứt ruột đẻ ra.