Có tiền tỷ, không biết giữ

ANTĐ - Liên tiếp vụ 1 đối tượng gây ra 2 vụ trộm cắp ở hiệu vàng, rồi vụ đột nhập nhà dân phá két sắt lấy tiền tỷ ở quận Hoàng Mai, bị lực lượng CSHS CATP Hà Nội khám phá trong tháng 2 này đã bộc lộ thực tế: biện pháp phòng ngừa và ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản của nhiều hộ dân rất đáng chê trách.

Nguyễn Ngọc Điềm và tang vật vụ trộm 

Không mất của mới là lạ!

Xin bắt đầu bằng vụ án Nguyễn Ngọc Điềm, 32 tuổi, quê Thái Bình, tạm trú tại xã Phú Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội, thủ phạm thực hiện 2 vụ trộm cắp hiệu vàng tại huyện Từ Liêm và quận Long Biên (ANTĐ cuối tuần, ra ngày 23-2 đã đưa tin). Điềm là một trong số ít thủ phạm trộm cắp hiệu vàng tại Hà Nội bị cơ quan công an xác minh, truy bắt được. Và có lẽ, anh ta cũng là “đạo chích” duy nhất có cách thức phạm tội khá đặc biệt: chỉ nhắm vào các hiệu vàng tư nhân, và tìm cách lấy trộm chìa khóa hiệu vàng, sau đó mang đi đánh chìa mới và ung dung sử dụng mở cửa vào khoắng vàng, tiền. Ngày 22-2, Điềm bị bắt khi đang “du xuân” ở nhà bạn gái trên Yên Bái. Trước đó 2 tháng, Điềm thực hiện 2 vụ trộm hiệu vàng, với số tiền kiếm được trên dưới 1 tỷ đồng.

Trong 2 vụ trộm vàng nêu trên, chỉ vụ đột nhập vào hiệu vàng trên phố Vũ Xuân Thiều, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, hình ảnh của Điềm mới được lưu lại. Thế nhưng khi cùng trinh sát CAQ Long Biên phân tích những hình ảnh lưu trên   camera, điều chúng tôi hình dung rõ nhất chỉ là… dáng vóc cao gần 1,7m của tên trộm. Rất quái, khi gây án, Điềm đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai. Điềm khai, chỉ mất 2 buổi anh ta đã dễ dàng lấy được số vàng trị giá gần 800 triệu đồng của hiệu vàng trên phố Vũ Xuân Thiều. Buổi đầu tiên, Điềm đi xe buýt “tăm tia”, rồi phát hiện ngay sơ hở của hiệu vàng này là không có nhân viên bảo vệ. Hiệu vàng cũng là nơi ở của chủ nhà, nên khi chủ nhà đi vắng, việc kinh doanh cũng tạm dừng, cửa khóa. Cũng trong buổi đầu tiên đó, Điềm đã tìm cách lấy trộm được chùm chìa khóa cửa mang đi đánh, rồi 3 hôm sau, ngày 30-1, Điềm “đầu tư” chưa đến 10.000 đồng xe buýt từ nơi trọ sang quận Long Biên, đến phố Vũ Xuân Thiều lấy trộm được vàng.

Thủ đoạn lấy trộm chìa khóa của Điềm thực chất hình thành từ “thành công” trong vụ đầu tiên, tại một hiệu vàng ở chợ Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Điềm vốn mê chơi chim cảnh. Hôm ấy, giữa tháng 12-2012, khi vào chợ Phú Diễn mua cám chim, Điềm phát hiện một hiệu vàng có 2 cửa ra vào nhưng chỉ có 1 người bán. Lúc mở cửa hàng, người bán có thói quen… vứt chùm chìa khóa 5 chiếc trên quầy hàng. Thế là anh ta tìm cách lấy trộm được chùm chìa khóa trong chốc lát, mang đi đánh rồi “vật hoàn cố chủ”. Mấy hôm sau, buổi trưa, nắm được quy luật chủ hiệu vàng khóa cửa về nhà ngủ, Điềm đàng hoàng mở cửa vào khoắng vàng. 

Đừng xem là “việc của người khác”

“Trong phòng ngừa tội phạm trộm cắp, trộm đột nhập, điều cần thiết đối với mỗi người dân là khi một vụ án xảy ra, đừng nên chỉ xem đó là việc của người khác, của bị hại. Quan trọng và cần thiết nhất là phải tự rút ra được bài học cảnh giác, phòng ngừa cho chính bản thân, gia đình mình”, chỉ huy Phòng CSHS CATP Hà Nội khuyến cáo. 

Hôm xảy ra vụ trộm đột nhập, phá két lấy tiền tỷ tại hộ dân ở quận Hoàng Mai vừa rồi, một điều tra viên đã không giấu nổi bức xúc: “Két sắt đâu phải là chỗ để tiền an toàn nhất. Vì sao từng ấy tiền mà người ta lại có thể vô tư cất giữ trong nhà?”. Thực tế các vụ trộm đột nhập cho thấy, rất ít khi thủ phạm ra tay ngẫu nhiên. Trước khi gây án, chúng đều có quá trình tìm hiểu, theo dõi để nắm bắt “thực lực” cũng như quy luật sinh hoạt của “con mồi”. Hộ dân đi vắng thời điểm nào, hiệu vàng có lắp camera không, có nhân viên bảo vệ không… tất cả đều được kẻ gian theo dõi, từ đó chọn thời điểm thích hợp để ra tay.

Để tiền và tài sản giá trị lớn, dài ngày, trong két sắt thực sự không an toàn. Đây là sự cảnh báo đối với không chỉ các hộ dân, mà cả những cơ quan, doanh nghiệp mà công tác bảo vệ, phòng ngừa còn nhiều sơ hở. Có những vụ, kẻ gian khênh cả két sắt ra nơi khác rồi mới phá cửa, lấy tiền. Nỗi lo không nhỏ trong những vụ trộm đột nhập thời gian qua, là sơ hở của các cơ sở kinh doanh vàng bạc “khối” tư nhân, hộ gia đình. Các cơ sở này thường nằm ở nơi khá đông dân cư, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hệ số an toàn cao. Vụ án mạng nghiêm trọng ở hiệu vàng Vững Bắc (huyện Thường Tín) năm nào là một bằng chứng. Và “sống động” không kém là 2 vụ trộm vàng liên quan đến “cao thủ” Nguyễn Ngọc Điềm. Phố Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên) và chợ Phú Diễn (huyện Từ Liêm), đều đông dân ở, đông người qua lại. Nhưng vẫn có sơ hở bị kẻ gian tìm ra. Công tác tuyên truyền, khuyến cáo lắp đặt camera, hệ thống báo động chống trộm và cắt cử người trông coi… được tuyên truyền nhiều nhưng rõ ràng không ít cơ sở kinh doanh vàng đã không thực hiện nghiêm túc. Nên chăng thực hiện một đề xuất từng được Phòng CSHS CATP Hà Nội đưa ra đối với các cơ sở kinh doanh vàng, ngoại tệ: là phải có những tiêu chí đảm bảo an toàn, và khi đáp ứng đủ các tiêu chí ấy, cơ sở mới được phép hoạt động.