EVN được phép tăng giá từ 2-5%

ANTĐ - Dự thảo Quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Chính phủ phê duyệt có nội dung tương tự như quy định đang áp dụng theo Quyết định số 24/2011/QĐ- TTg.

Tần suất điều chỉnh giá điện liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân

Về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán điện bình quân theo dự thảo, trong trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành với mức từ 2-5% và trong khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Theo một chuyên gia kinh tế, quy định này dường như không có sự thay đổi so với quy định tại Quyết định số 24/2011/QĐ- TTg. Điểm khác là theo dự thảo mới, mức điều chỉnh được quy định cụ thể hơn là từ 2-5% thay vì mức 5% như trước đây. 

Nếu thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. 

Đáng chú ý, Dự thảo mới loại bỏ nội dung liên quan đến quỹ bình ổn giá điện. Theo Quyết định 24 thì quỹ bình ổn giá điện được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá bán điện, được hình thành từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện nhưng từ khi quyết định có hiệu lực đến nay, nguồn quỹ này vẫn chưa được hình thành. Trước đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi với báo chí cho rằng quỹ bình ổn giá điện nếu được thành lập cũng chứa nhiều bất ổn, người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi; mặt khác, sẽ làm nảy sinh bộ máy quản lý; tăng chi phí, giảm minh bạch. Cơ chế hoạt động của quỹ ngược với quy luật thị trường. Bên cạnh đó, ngành điện hiện có nhiều nguồn phát khác nhau như thuỷ điện, nhiệt điện, điện nhập khẩu... mỗi nguồn giá thành lại khác nhau vậy nên việc trích lập quĩ là bao nhiêu rất phức tạp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc trích lập quỹ có thể làm giá điện tăng, bởi vậy, loại bỏ nội dung này sẽ hợp lý hơn.