Mỹ tăng hiện diện quân sự

ANTĐ - Thực hiện chính sách “tái cân bằng” ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại các nước đồng minh trong khu vực chiến lược đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh này.

Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự nhằm triển khai chính sách tái cân bằng
tại châu Á-Thái Bình Dương

Trong cuộc họp thường niên 2 + 2 với hai người đồng cấp Australia là nữ Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston tại Sydney (Australia) ngày 12-8, hai Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ là  John Kerry và Chuck Hagel một lần nữa khẳng định chính sách “tái cân bằng” của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, ngoài việc gia tăng hợp tác quốc phòng với các đồng minh và đối tác, Mỹ sẽ tăng cường giám sát diễn biến xung quanh các bãi cạn, bãi đá và bãi san hô ở Biển Đông nhằm giảm căng thẳng tại vùng biển này.

Với riêng Australia, thỏa thuận hợp tác quốc phòng hiện tại cho phép Mỹ hàng năm có thể luân phiên triển khai 1.500 binh lính, chủ yếu là thủy quân lục chiến, tại căn cứ không quân Darwin ở miền Bắc Australia, không xa khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Song theo kế hoạch thực hiện chính sách “tái cân bằng”, Mỹ sẽ tăng lên 2.500 binh lính, trong đó có cả lính không quân và bộ binh tại căn cứ Darwin vào năm 2017.

Trong cuộc họp 2+2 có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey, Mỹ và Australia cũng đã thảo luận về việc gia tăng hợp tác quân sự cũng như các đề xuất thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo rộng lớn hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á. Kế hoạch và các đề xuất này là một phần trong các bước đi của chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương sau khi khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới từ việc dùng sức mạnh đòi chủ quyền.

Gia tăng hiện diện quân sự nhằm triển khai chính sách “tái cân bằng” tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã điều thêm lực lượng và vũ khí, phương tiện hiện đại tới các căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Trong số này, các máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất F-22, các tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo Aegis cùng hiện diện.

Sau một thời gian “vắng bóng” tại khu vực Đông Nam Á, lực lượng và vũ khí Mỹ đã xuất hiện trở lại. Theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) có thời hạn 10 năm ký tháng 4 vừa qua, Philippines sẽ cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận trở lại một số căn cứ quân sự  của Philippines như Subic cũng như được phép bố trí máy bay chiến đấu và tàu chiến tại đây.

Tại Singapore và Thái Lan vốn luôn được xem là những đồng minh quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á, Lầu Năm góc cũng đã tăng cường triển khai việc đồn trú các phương tiện vũ khí hiện đại. Trong đó, sau khi được cải tạo, căn cứ quân sự ở Changi của Singapore là địa điểm đồn trú thường xuyên của các tàu chiến tàng hình mới nhất cùng sự ra vào thường xuyên của các tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu ngầm. Tương tự, Mỹ đã thỏa thuận với Thái Lan để tới năm 2025 có thể bố trí các máy bay tuần tiễu chống ngầm, máy bay không người lái “hệ thống giám sát trên vùng biển rộng” theo định kỳ ở nước này.

Những động thái tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương có lẽ là cách mà siêu cường này muốn thế giới thấy được chính sách “tái cân bằng”, xoay trục bắt đầu được Washington thể hiện bằng hành động, chứ không chỉ là những thông điệp, cảnh báo có tính ngoại giao.