Biến chủ sở hữu thành vô gia cư

(ANTĐ) - Tháng 3-1969, ông Trịnh Hữu Thành, ông Trịnh Đình Tâm được bà Nguyễn Thị Thảo (chị dâu) giúp mua ngôi nhà có diện tích 75m2 tại số 27 ngõ Mai Hương, phường Bạch Mai, TP Hà Nội của cụ Ngô Văn Hòa và Trần Thị Minh. Giấy tờ mua bán nhà đất của bà Thảo và cụ Hòa chỉ viết tay, nội dung nhượng lại nhà đất với giá thỏa thuận vài tạ gạo, có người làm chứng. Sau đó, bà Thảo đã nộp toàn bộ giấy tờ chuyển nhượng này cho công an để chuyển hộ khẩu cho các em và cháu mình về ngõ Mai Hương.

Biến chủ sở hữu thành vô gia cư

(ANTĐ) - Tháng 3-1969, ông Trịnh Hữu Thành, ông Trịnh Đình Tâm được bà Nguyễn Thị Thảo (chị dâu) giúp mua ngôi nhà có diện tích 75m2 tại số 27 ngõ Mai Hương, phường Bạch Mai, TP Hà Nội của cụ Ngô Văn Hòa và Trần Thị Minh. Giấy tờ mua bán nhà đất của bà Thảo và cụ Hòa chỉ viết tay, nội dung nhượng lại nhà đất với giá thỏa thuận vài tạ gạo, có người làm chứng. Sau đó, bà Thảo đã nộp toàn bộ giấy tờ chuyển nhượng này cho công an để chuyển hộ khẩu cho các em và cháu mình về ngõ Mai Hương.

Từ đó đến nay, 2 gia đình ông Thành và ông Tâm sinh sống ổn định, kê khai nộp thuế nhà đất và nhiều lần cải tạo, sửa chữa nhà. Khi 2 gia đình làm “sổ đỏ” thì ông Ngô Chí Tùng (con trai ông Trang) ở liền kề cũng xác nhận ranh giới thửa đất và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, giấy tờ chuyển nhượng nhà đất của bà Thảo đã bị mất và tại cơ quan quản lý Nhà nước cũng bị thất lạc.

Biết được điều này, sau khi cụ Hòa mất (năm 1997), ông Ngô Văn Trang khởi kiện đòi quyền sử dụng đất của gia đình ông Thành, ông Tâm. Mặc dù năm 2000, ông Trang rút đơn yêu cầu đòi quyền sử dụng đất và TAND quận Hai Bà Trưng đã đình chỉ giải quyết vụ án nhưng đến năm 2002, ông Trang lại tiếp tục khởi kiện.

Tại Bản án số 10/DS-ST của TAND quận Hai Bà Trưng, HĐXX sơ thẩm cũng có quan điểm như đại diện VKSND TP Hà Nội tại phiên Tòa phúc thẩm sau này đều xác định: cụ Hòa đã nhượng bán nhà đất ở số 27B ngõ Mai Hương cho bà Thảo, ông Tâm và bác đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng đất của ông Trang và các đồng nguyên đơn.

Nhưng tại Bản án số 200/DSPT của TAND TP Hà Nội, HĐXX lại quyết định: “Sửa án sơ thẩm về quan hệ pháp luật và về nội dung, xử: Xác định nhà đất tại 27B ngõ Mai Hương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cụ Ngô Văn Hòa và cụ Trần Thị Minh; Cụ Hòa và cụ Minh đã mất nên các thừa kế của hai cụ được hưởng di sản thừa kế do 2 cụ để lại; Chấp nhận một phần yêu cầu đòi nhà đất cho ở nhờ của ông Ngô Văn Trang, Ngô Văn N, Ngô Văn S, Ngô Văn Q, bà Lê Thị T và bà Ngô Thị H.

Là người tham gia bào chữa cho một trong những đương sự của vụ án, luật sư Triệu Trung Dũng cho rằng: Bản án phúc thẩm trên là không phù hợp với thực tế khách quan và không đúng pháp luật, thể hiện ở những điểm sau: Bản án đã không căn cứ vào di chúc của cụ Hòa để lại. Bản di chúc có đoạn: “Còn một ngôi nhà số 27 ngõ Mai Hương hiện cho gia đình ông Vương ở thuê, đó là tài sản của 4 anh em, không thuộc riêng về ai cả. Nếu có bán được ngôi nhà này thì để lo liệu cho ông bà lúc trăm tuổi”. Như vậy, bản di chúc không hề nói đến ngôi nhà của gia đình ông Thành, ông Tâm tại 27B Mai Hương trên thửa đất 139m2.

Theo bị đơn, HĐXX phúc thẩm đã phớt lờ các quy định tại điều 50 - Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Bởi bản án không hề xác định ý kiến xác nhận của Phòng Nhà đất quận Hai Bà Trưng trong đơn xin phép sửa nhà lá của ông Tâm tháng 9-1969 (về việc cụ Hòa đã chuyển nhượng nhà đất cho bà Thảo). Hơn nữa, HĐXX phúc thẩm còn bác bỏ lời khai của các nhân chứng. Nếu cụ Hòa cho 2 gia đình kia ở nhờ thì tại sao không yêu cầu nộp tiền cho cụ để cụ đóng thuế nhà đất mà lại để họ tự kê khai đóng thuế?

Đồng thời, HĐXX phúc thẩm cũng tự ý thay đổi quan hệ pháp luật, từ đòi quyền sử dụng đất sang quan hệ đòi nhà đất cho ở nhờ. Và liệu Tòa có áp dụng đúng thủ tục tố tụng dân sự theo điều 69 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khi cho rằng Tòa sơ thẩm xử sai quan hệ pháp luật, phải hủy bản án sơ thẩm, trả lại cho Tòa sơ thẩm xét xử lại, đằng này Tòa phúc thẩm đã tự xét xử và quyết định thay Tòa sơ thẩm và tước mất quyền có nhà của gia đình ông Thành, biến họ từ chủ sở hữu nhà hợp pháp thành người vô gia cư.

(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thanh Quang

(Ghi theo lời kể của Luật sư Triệu Trung Dũng thuộc Hội Luật gia TP Hà Nội)