Yếu và mạnh

ANTĐ - Ngoại trừ Bồ Đào Nha, 3 gương mặt còn lại của vòng bán kết EURO đều đến từ những nước có giải VĐQG lớn như Bundesliga (Đức), La Liga (Tây Ban Nha), hay Serie A (Italia). Nhắc đến kết quả đó để thấy, giải VĐQG đóng vai trò quyết định đến thành công của ĐTQG trên bình diện quốc tế. Ligue 1 của Pháp luôn bị đánh giá thấp nhất trong số 5 giải VĐQG lớn và thất bại của Pháp dưới tay Tây Ban Nha gần như là điều đương nhiên. 

Thế nhưng, đang có một câu hỏi đầy mâu thuẫn với Premier League của Anh, giải đấu vừa công bố bản hợp đồng truyền hình nhiều tỷ USD. Nếu so sánh về tài chính, 4 giải VĐQG lớn còn lại cộng vào chưa chắc bằng được số tiền Premier League thu về mỗi năm. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền! 

Nhưng lại có một thực tế phũ phàng mà người ta phải chấp nhận, là Premier League càng mạnh bao nhiêu, đội tuyển Anh càng yếu bấy nhiêu! Các nhà quản lý bóng đá Anh không phải không biết thực trạng này, nhưng họ gần như không thể thay đổi được hiện trạng. Sự hào phóng và khát vọng đua tranh của Chelsea, Man City, hay các CLB lớn khác như MU, Arsenal hay Liverpool ngày càng khiến cho các tài năng của nước Anh thui chột, một yếu tố rất quan trọng giải thích cho sự thất bại của “Tam sư”. 

Tất nhiên, sẽ có nhiều cách nhìn nhận về thất bại của đội tuyển Anh, trong đó có những ca chấn thương, sai lầm của chiến thuật khi HLV Roy Hodgson sử dụng lối chơi phòng ngự được chính người Italia sản sinh ra, nhưng các đội bóng như Đức, Tây Ban Nha hay Italia gặt hái thành công nhờ sự đầu tư và phát triển tài năng trẻ tại giải quốc nội. Trong khi đội tuyển Đức được xây dựng trên bộ khung của Bayern Munich, Tây Ban Nha tiếp tục gây ấn tượng bằng những ngôi sao trưởng thành từ lò đào tạo của Barcelona hay Real Madrid. Italia dù phải trải qua scandal liên quan tới các tuyển thủ quốc gia, vẫn tiến gần tới trận chung kết nhờ những nhân tố của Juventus hoặc AC Milan. 

Lối chơi phòng ngự của đội tuyển Anh đã bị dư luận và giới truyền thông chỉ trích nặng nề. Theo nhật báo thể thao hàng đầu nước Italia Gazzetta dello Sport, “Tam sư” đã mô phỏng lối chơi của Chelsea, đội vô địch Champions League, nhưng họ chỉ giống như chàng trai mới học việc. 

Suy cho cùng, nếu không có gì thay đổi trong tương lai tại Premier League, “Tam sư” vẫn sẽ mòn mỏi chờ đợi một danh hiệu lớn kể từ World Cup 1966, và họ vẫn chỉ là “con Hổ giấy” tại World Cup cũng như EURO.