
Phố Huế - Hàng Bài đã được kẻ phân làn nhưng người tham gia
giao thông vẫn “đè” lên nhau - Ảnh: NGỌC QUÝ
Nhìn qua những tuyến phố từng được thí điểm phân làn như Kim Mã năm 2005, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân năm 2008, Giải Phóng năm 2009, một điểm chung có thể nhận ra ngay là tình trạng lộn xộn không thể nói cải thiện triệt để, xe máy, ô tô, xe đạp mạnh ai nấy chạy. Những lúc quá đông, hàng trăm phương tiện bất chấp làn, luồng lấn lên cả vỉa hè mạnh ai nấy vượt. Phương tiện tham gia giao thông vẫn tiếp tục tăng lên, nỗ lực của cơ quan chức năng nhằm giải bài toán ùn tắc xem ra vẫn như muối bỏ bể, bởi ý thức của công dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng vẫn chưa “thông”. Cộng vào đó là chế tài xử phạt, dù đã siết chặt hơn nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Thế nên, có nhiều người dù đã từng bị phạt vẫn tiếp tục vi phạm, nhất là khi không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ở trên đường. Với thực trạng ấy thì các đề án, kế hoạch dù có khoa học đến mấy, cũng không thể giải quyết được “ma trận” giao thông ở Hà Nội.
Ngẫm ra, thấy nguyên lý “vật chất quyết định ý thức” vẫn luôn đúng đắn khi dùng để giải bài toán giao thông: phạt thật nặng, “đánh” mạnh vào túi tiền của người vi phạm, mới mong họ thay đổi được phần nào ý thức. Cùng với đó, lại tiếp tục tuyên truyền, giáo dục. Và, để đề án thí điểm lần này không đi vào “bánh xe đổ” của những lần trước, rất cần sự đồng thuận của người tham gia giao thông, bởi có được ủng hộ rộng rãi của nhân dân thì các lực lượng chức năng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.