Ý nghĩa của thỏa thuận lập tuyến cáp quang giữa Nhật Bản với Chile

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều cân nhắc, Chile đã chọn Nhật Bản làm đối tác chính cho tuyến cáp quang trực tiếp đầu tiên giữa Nam Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả đấu thầu vừa công bố vào mùa hè này cho thấy điểm chung đáng kể về lợi ích địa chiến lược giữa Nhật Bản và châu Mỹ. Nhưng trên hết, Nhật Bản ký thỏa thuận này trong nỗ lực âm thầm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
Chile và Nhật Bản sẽ xây dựng tuyến cáp quang biển đầu tiên giữa Mỹ Latinh và châu Á

Chile và Nhật Bản sẽ xây dựng tuyến cáp quang biển đầu tiên giữa Mỹ Latinh và châu Á

Thắng lợi của nhà thầu Nhật Bản

Nhật Bản đã đề nghị xây dựng đường cáp quang dài 13.000km từ Chile qua Thái Bình Dương để rồi kết nối với cáp ngầm dưới biển hiện có giữa Nhật Bản và châu Đại Dương vừa đi vào hoạt động vào tháng 7. Khi chọn giải pháp do Nhật Bản đưa ra, Chile đã từ chối lời đề nghị cạnh tranh từ gã khổng lồ viễn thông Trung cáp ngầm trị giá hàng tỷ đô la này, hãng NEC của Nhật Bản giành chiến thắng và Chile sẽ chấp nhận đấu thầu hợp đồng bổ sung từ các công ty đa quốc gia vào năm tới, với các ứng cử viên đến từ các hãng đứng đầu thế giới trong lĩnh vực cáp biển. Trong đó, mạng cáp ngầm Alcatel ở Pháp và Subcom ở Mỹ là những đối thủ tiềm năng.

Quyết định từ chối Trung Quốc đối với Chile không hề dễ dàng. Họ đã thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi với Huawei vào năm 2017 và đã chịu áp lực ngoại giao dữ dội từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, Chile cũng lắng nghe ý kiến quan ngại từ Mỹ và các nước khác - bao gồm cả chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo năm ngoái - rằng việc chấp nhận đề xuất của Huawei sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an ninh quốc gia. Việc Chile lựa chọn thầu là Nhật Bản cũng diễn ra vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Trump đang gây sức ép để các đối tác và đồng minh không sử dụng các sản phẩm hoặc công nghệ của Huawei.

Theo ông Jonathan Berkshire Miller, thành viên cấp cao của Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, có trụ sở tại Tokyo đồng thời là giám đốc và đồng sáng lập của Hội đồng Chính sách quốc tế tại Ottawa; thỏa thuận với Chile cho thấy Nhật Bản đang phát triển các tiếp cận đối với Vành đai Thái Bình Dương.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo, Tokyo đã vạch ra một tầm nhìn gọi là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, được thiết kế để duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực và một phần là để chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Nền tảng của chiến lược đó là xây dựng các kết nối đáng tin cậy, cởi mở và minh bạch giữa Nhật Bản và các đối tác ngoại giao, bao gồm cả ở Mỹ Latinh.

Khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” không chỉ riêng Mỹ mới công bố mà một loạt quốc gia và tổ chức khác đã công bố các cách tiếp cận tương tự, như Ấn Độ, Australia, Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã định hình đường lối ngoại giao của mình xung quanh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được Tokyo xác định là trải dài từ Đông Phi đến bờ biển phía Tây của châu Mỹ. Sau khi ông Abe đột ngột từ chức vào tháng 8, người kế nhiệm ông, Thủ tướng Suga Yoshihide, có vẻ sẽ tiếp tục di sản của ông Abe bằng việc thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là tới Đông Nam Á vào cuối tháng này.

Tuyến cáp tới Chile giúp thực hiện một số ưu tiên trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản: thúc đẩy cơ sở hạ tầng bền vững, bảo vệ và duy trì các tuyến đường biển tự do và cải thiện kết nối khu vực. Bên cạnh đó, Chile và Peru là các thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - bao gồm 11 thành viên xung quanh Vành đai Thái Bình Dương.

Trật tự quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng: sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa độc tài lan rộng, sự hoài nghi ngày càng tăng về các giá trị tự do và hoạt động sai lệch của các thể chế quốc tế… Bên cạnh đó, các tranh chấp lãnh thổ và sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng gây rủi ro cho sự ổn định. Đối với Nhật Bản, tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chìa khóa để quản lý tất cả những rủi ro này.

Cáp quang dưới biển chứa khoảng 95% dữ liệu và thông tin liên lạc quốc tế, được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng cho các mục đích an ninh quốc gia. Do đó, sau khi hoàn thành, tuyến cáp mới sẽ trở thành một liên kết chiến lược quan trọng không chỉ giữa Nhật Bản và Chile, mà còn giữa châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.