Xung quanh vụ sát hại nữ nhà báo Nga Darya Dugin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo chí thế giới tuần qua quan tâm đặc biệt đến việc nữ nhà báo Darya Dugin thiệt mạng do bị đánh bom xe hôm 20-8. Tại sao cái chết của người phụ nữ này có thể trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh chính trị của Nga với các thế lực chống đối bên ngoài?

Vụ tấn công ngay lập tức trở thành vấn đề có tầm quan trọng quốc gia. Lãnh đạo các đảng phái chính trị và quan chức hàng đầu của Nga đã tham dự lễ tang Darya Dugin. Trong khi đó, truyền thông phương Tây cũng chú ý đặc biệt vì nạn nhân là con gái của triết gia, nhà bình luận chính trị kỳ cựu Alexander Dugin - người được cho là “bộ não của Putin”.

Nữ nhà báo Darya Dugin

Nữ nhà báo Darya Dugin

Vụ nổ trên cao tốc

Đêm 20-8, Darya (29 tuổi) đang cùng cha trở về nhà từ lễ hội văn hóa “Truyền thống” ở gần Thủ đô. Khoảng 21h chiếc xe chở Dugina bị nổ lốp trên đường cao tốc Mozhaisk, nạn nhân tử vong tại chỗ. Các nguồn tin cho biết, một thiết bị điều khiển từ xa đã kích nổ bộ phận gắn vào khung của chiếc ô tô. Ông Alexander Dugin ngồi trong chiếc xe chạy phía sau con gái và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng.

Ủy ban Điều tra Liên bang Nga gọi đây là “vụ giết người được thực hiện một cách nguy hiểm cho xã hội”. Hôm 22-8, hai ngày sau vụ tấn công khủng bố, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo họ đã tìm ra thủ phạm đứng sau sự việc, đó là các cơ quan đặc nhiệm của Ukraine. Theo FSB, nghi phạm là Natalya Vovk, một công dân Ukraine đến Nga cùng với cô con gái 12 tuổi Sofia Shaban vào tháng 7-2022. Một số nguồn tin cho rằng, Vovk từng phục vụ trong Tiểu đoàn Azov. Họ thuê một căn hộ trong tòa nhà nơi Dugin sống. Vovk cùng với con gái đã có mặt ở lễ hội mà cha con ông Dugin tham dự. Sau vụ nổ, Vovk và con gái rời Nga đến Estonia qua vùng Pskov. FSB đã công bố video từ camera giám sát cho thấy, việc nhập cảnh và xuất cảnh của Natalya Vovk và hình ảnh cận cảnh của cô ta trước lối vào tòa nhà chung cư ở Matxcơva của nữ nhà báo.

Phản ứng về thông tin này, phía Ukraine phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào và gọi những tuyên bố của FSB là “tuyên truyền”. Estonia từ chối cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động di chuyển qua biên giới liên quan đến Natalya Vovk. Ngoại trưởng Estonia còn coi kết luận mà các cơ quan Nga đưa ra là một hành động khiêu khích.

Darya Dugin là ai?

Giống như cha mình, Darya Dugin là người đề xướng thuyết siêu cường Nga. Người phụ nữ này làm việc cho truyền hình Russia Today, Zvezda và Tsargrad, cũng như bình luận chính trị cho các phương tiện truyền thông Nga khác. Nữ nhà báo công khai ủng hộ chiến dịch quân sự ở Ukraine và bị Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand áp đặt các lệnh trừng phạt vào mùa hè năm 2022. Cô cũng đã làm phóng viên chiến trường tại Mariupol và các nước cộng hòa Donbass. Mùa thu năm 2022, một cuốn biên niên sử về quân đội Nga mà cô là đồng tác giả có tên “Sách Z” sẽ được xuất bản.

Ở Nga, vụ sát hại nữ nhà báo Darya Dugin được coi là vì động cơ chính trị. Bức thư của Tổng thống Vladimir Putin gửi gia đình cô có đoạn viết: “Một tội ác hèn hạ, tàn ác đã cắt ngắn cuộc đời của Darya Dugin - một người sáng giá, tài năng với trái tim Nga chân chính, nhân hậu, yêu thương, thông cảm và cởi mở. Là một nhà báo, nhà khoa học, nhà triết học và phóng viên chiến trường, cô ấy đã trung thành phục vụ Tổ quốc, nhân dân, chứng minh bằng hành động ý nghĩa của việc trở thành một người yêu nước”.

Hôm 23-8, hàng trăm người đã tập trung tại trung tâm phát thanh Ostankino ở Matxcơva để bày tỏ sự chia buồn với cha cô. Danh sách những người tham dự tang lễ của Darya vào ngày 23-8 đã nói lên nhiều điều về bản chất của sự kiện. Trong số hàng trăm người có mặt có Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Sergey Neverov; người đứng đầu đảng LDPR theo chủ nghĩa dân tộc Leonid Slutsky; doanh nhân Evgeny Prigozhin; tiểu thuyết gia và nhà hoạt động chính trị Zakhar Prilepin; lãnh đạo đảng Chỉ một nước Nga Sergey Mironov… Một chi tiết đáng chú ý, chiếc xe thuộc về Darya, nhưng các phương tiện truyền thông Nga cho biết, cha cô đã sử dụng nó khá thường xuyên trong 6 tháng qua. Họ đã lên kế hoạch đi cùng nhau, nhưng vào phút chót, ông Aleksandr đã đổi ý và lên xe của một người bạn đi ngay phía sau. Thế nên, vẫn chưa rõ mục tiêu thực sự là Darya hay cha cô - ông Aleksandr Dugin.

Darya Dugin cùng cha mình - triết gia, nhà bình luận chính trị Alexander Dugin

Darya Dugin cùng cha mình - triết gia, nhà bình luận chính trị Alexander Dugin

Vai trò gây tranh cãi của triết gia Aleksandr Dugin

Ông Aleksandr Dugin là nhà triết học Nga được báo chí phương Tây quan tâm bởi các nghiên cứu chính trị của ông tập trung vào việc tạo ra một siêu cường Á - Âu thông qua sự liên kết của Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Ông được biết đến với tư cách là một tác giả nổi tiếng bảo thủ vào những năm 1990 khi nước Nga đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và khoảng trống ý thức hệ sau khi Liên Xô sụp đổ. Với tài hùng biện và lập trường chống phương Tây, ông Dugin đã hình dung Nga như một đế chế không ngừng mở rộng sứ mệnh chống lại sự lan rộng của mô hình tự do phương Tây.

Trong những thập kỷ gần đây, ông Dugin đã giữ một loạt chức vụ, trong đó có chức Trưởng khoa Xã hội học về quan hệ quốc tế của Đại học quốc gia Matxcơva (giai đoạn 2009-2014) và một thời gian ngắn giữ chức vụ Trưởng ban Biên tập Đài truyền hình Tsargrad (2015). Những ý tưởng theo đường lối cứng rắn của ông đã dần dần len lỏi vào dòng chảy chính trị Nga khi quan hệ của Matxcơva với Mỹ và các đồng minh châu Âu giảm mạnh xuống mức thấp nhất thời hậu Chiến tranh lạnh.

Trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Nền tảng của địa chính trị: Tương lai địa chính trị của Nga” xuất bản năm 1997, ông Dugin đã dự đoán về cuộc xung đột ở Ukraine. Ông viết: “Chủ quyền của Ukraine là một yếu tố tiêu cực đối với địa chính trị của Nga. Về nguyên tắc, nó có thể dễ dàng kích hoạt một cuộc xung đột vũ trang”. Tác giả lập luận rằng, trong khi vẫn duy trì một mức độ tự trị nhất định, Ukraine nên được sáp nhập vào nhà nước Nga giống như thời Nga hoàng và Liên Xô. Ông Aleksandr Dugin được truyền thông phương Tây mệnh danh là “bộ não của Putin” vì được cho là gây ảnh hưởng đến thế giới quan của Tổng thống Vladimir Putin và giới cầm quyền của đất nước. Tạp chí Foreign Policy đã đưa ông vào danh sách “Những nhà tư tưởng toàn cầu” năm 2014. Tuy nhiên, theo Russia Today, thực tế là ông Dugin không có ảnh hưởng trong Điện Kremlin. Thay vào đó, ông trở thành người truyền cảm hứng cho các nhà vận động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mà hầu hết tin rằng, Tổng thống Vladimir Putin quá ôn hòa trong chính sách đối ngoại của mình. Do đó, ông Dugin trở nên nổi tiếng ở phương Tây nhưng lại là một nhân vật “ngoài lề” với chính trường Nga.

Ông Samuel Ramani - Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh của Học viện Hoàng gia Anh cho rằng: “Ảnh hưởng thực tế của ông Dugin đối với chính sách của Nga đã bị phóng đại quá mức. Ông ấy chưa bao giờ thực sự nắm giữ một chức danh chính thức nào ở Nga. Dugin đã luôn muốn đi xa hơn về chính sách đối ngoại so với những gì ông Putin sẵn sàng đi”. Trong bối cảnh các bên đang tranh luận về mức độ ảnh hưởng của ông Dugin thì bản thân ông vẫn tiếp tục gây sức ép lên Matxcơva về chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tại tang lễ của con gái mình, ông Dugin kêu gọi mọi người hãy tiếp tục chiến đấu cho nước Nga và bảo vệ đức tin của mình.

Ảnh hưởng từ vụ sát hại nữ nhà báo Darya Dugin đã vượt ra khỏi biên giới Nga đến mức Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phải nói rằng, Washington lên án việc cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, Mỹ đã cố gắng đưa ra một giọng điệu khá “trung lập” trong các bình luận về vụ việc này.

Ảnh hưởng từ vụ sát hại nữ nhà báo Darya Dugin đã vượt ra khỏi biên giới Nga đến mức Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phải nói rằng, Washington lên án việc cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, Mỹ đã cố gắng đưa ra một giọng điệu khá “trung lập” trong các bình luận về vụ việc này.