Xung quanh bản quyền truyền hình V-League: Mỗi người một lý

ANTĐ - Mô hình Công ty VPF chưa đi vào hoạt động, song giữa VFF và các CLB đã bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn xung quanh bản quyền truyền hình V-League. Đôi bên đều có cái lý của riêng mình và chẳng ai chịu ai.

Tranh cãi về bản quyền truyền hình V-League sẽ còn là câu chuyện dài

Người đầu tiên lên tiếng về vấn đề này không ai khác chính là ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB HN ACB. Tại hội nghị giữa VFF và 28 ông bầu, ông Kiên đã bày tỏ bức xúc: “VFF tự ý ký hợp đồng bản quyền với AVG nhiều CLB không được biết. Hơn nữa, các giải đấu trên thế giới chưa từng có tiền lệ bán bản quyền truyền hình lên đến 20 năm. Nhiệm kỳ của các anh chỉ 5 năm, vậy mà lại đi quyết việc của cả 4-5 nhiệm kỳ sau. Thử hỏi như vậy có ổn không?”.

Bức xúc trên của ông Kiên ngay lập tức nhận được sự đồng tình của 27 ông bầu còn lại, bởi điều 53 - Luật Thể dục thể thao có ghi: “Liên đoàn thể thao quốc gia, CLB thể thao chuyên nghiệp nếu có tổ chức giải thể thao chuyên nghiệp sẽ là chủ sở hữu giải do mình tổ chức”. Như vậy, nếu Công ty VPF ra đời sẽ là chủ sở hữu V-League và đương nhiên, việc khai thác các nguồn lợi từ V-League thuộc về cả VFF lẫn các CLB, chứ không phải như cách VFF đang giữ độc quyền.

Về phần mình, VFF cũng bày tỏ chính kiến: “Bản quyền truyền hình V-League thuộc về VFF, giống như bản quyền World Cup thuộc FIFA, bản quyền EURO thuộc về UEFA... VFF đã nghiên cứu kỹ luật và khẳng định, VFF không phạm luật khi bán bản quyền truyền hình V-League cho AVG”. Theo giới chức lãnh đạo BĐVN thì điều 68, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ban hành ngày 19-1-2010 có quy định: “Bản quyền truyền hình các trận đấu tại các giải bóng đá thuộc về Liên đoàn BĐVN, chỉ có Liên đoàn BĐVN mới có quyền thương thảo và ký kết các hợp đồng hoặc cho phép các đối tác ký kết hợp đồng về bản quyền truyền hình trực tiếp ở tất cả các trận đấu”.

Mỗi bên đều đưa ra lý lẽ của riêng mình, song nhiều chuyên gia cho rằng: “Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mà VFF đưa ra cần phải có sự sửa đổi cho phù hợp với thời cuộc. Vấn đề bản quyền truyền hình nên để Công ty VPF tự quyết định”. Về hướng giải quyết khúc mắc trên, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho hay: “Việc bản quyền có được chuyển sang cho Công ty VPF hay không còn phải bàn tiếp. Quan điểm của VFF là cần hài hòa lợi ích cho tất cả các bên bởi xét cho cùng, bản chất của VPF khi ra đời là đảm bảo sự công bằng cho sân chơi chung”.

Tranh cãi về bản quyền truyền hình V-League sẽ còn là câu chuyện dài