Xung đột Nga - Ukraine có thể đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung đột giữa Nga và Ukraine có thể đẩy thế giới tới bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực do hai quốc gia này là những nước xuất khẩu lúa mỳ, lúa mạch… cùng phân bón lớn nhất thế giới.

Đứt gãy nguồn cung lương thực

Những cơ quan và tổ chức lương thực và thương mại hàng đầu thế giới như Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… đã lên tiếng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về an ninh lương thực trên thế giới do xung đột giữa Nga và Ukraine. Thậm chí có những ý kiến lo ngại cuộc xung đột này có thể đẩy thế giới tới bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực, ảnh hưởng nặng nề và trước hết tới các nước nghèo, người nghèo.

Theo FAO, Nga hiện là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine là nước lớn xuất khẩu lúa mì đứng thứ năm. Hai quốc gia này cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Nguồn cung phân bón toàn cầu cũng tập trung cao độ, trong đó Nga là nhà sản xuất hàng đầu.

Trong khi đó, theo WTO, hai nước Nga và Ukraine đang cung cấp lượng lúa mì chiếm 24% thị trường toàn cầu, trong khi Ukraine cung cấp khoảng 50% lượng lúa mì cho Chương trình Lương thực thế giới (WEF). Chính vì vậy, WTO lo ngại xung đột giữa Nga và Ukraine có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới.

Nhiều giới chức và chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động canh tác, sản xuất cũng như chuỗi cung ứng, hậu cần lương thực toàn cầu. Ông John Rich, Chủ tịch điều hành hãng cung cấp lương thực hàng đầu Ukraine MHP, lo ngại về vụ Xuân năm nay - một vụ mùa quan trọng không chỉ đối với nguồn cung nội địa ở Ukraine mà còn với khối lượng lớn ngũ cốc và dầu thực vật mà nước này xuất khẩu trên toàn cầu.

Ngoài ra, cuộc xung đột còn tác động rất lớn tới nguồn cung và thị trường phân bón thế giới vốn được xem đóng vai trò quan trọng để đảm bảo năng suất cây trồng, trong đó có năng suất, sản lượng lương thực thế giới. Nga và Belarus hiện là những nhà cung cấp phân bón hàng đầu trên thị trường thế giới, trong khi đó do bị Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và phần nào là Belarus đã làm gián đoạn khâu cung ứng các nguyên liệu đầu vào trên toàn cầu. Nga và Belarus hiện chiếm hơn 40% tổng sản lượng kali xuất khẩu toàn cầu. Đây là một trong 3 chất dinh dưỡng quan trọng được sử dụng để tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, Nga cũng chiếm khoảng 22% sản lượng amoniac xuất khẩu của thế giới, 14% sản lượng urê và khoảng 14% sản lượng monoammonium phosphate (MAP), vốn đều là các loại phân bón chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. FAO lo ngại, cuộc khủng hoảng phân bón có thể ảnh hưởng tới sản lượng lương thực của các nước trên thế giới.

Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu

Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng lan rộng và kéo dài càng khiến thế giới, trước hết là người tiêu dùng ở các nước nghèo, thấy rõ hơn tác động mạnh của cuộc khủng hoảng này do giá lương thực tăng cao và tình trạng gián đoạn đáng kể đối với các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế của Liên hợp quốc (IFAD) cho biết, cuộc xung đột

Nga - Ukraine đã khiến giá lương thực leo thang và dẫn tới tình trạng thiếu các vụ mùa chủ chốt ở nhiều vùng ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi. Theo IFAD, tác động của cuộc xung đột hiện cũng bắt đầu ảnh hưởng tới giá lương thực bán lẻ ở một số nước nghèo nhất thế giới.

Giá lương thực thế giới hiện đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi FAO ra đời. Chỉ số giá lương thực mà nhân tố quan trọng nhất được cho là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ra đời năm 1961, Chỉ số giá lương thực của FAO được tính toán dựa trên mức giá trung bình trong giai đoạn từ năm 2014-2016, với giá trị là 100 và được điều chỉnh theo mức độ lạm phát. Chỉ số này xem xét mức giá toàn cầu đối với 23 loại thực phẩm chính (gồm 73 mặt hàng sản phẩm khác nhau) so với năm cơ sở.

Trong tháng 2 vừa qua, Chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Không những thế, mức thống kê này còn cao hơn 2% so với chỉ số cao nhất mà FAO ghi nhận hồi tháng 2-2021. Số liệu thống kê cũng cho thấy ngũ cốc đã tăng giá 3% so với tháng trước đó, do những quan ngại về nguồn cung do cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn của thế giới; trong khi đó, dầu thực vật cũng tăng 8,5%, sữa tăng 6,4% và thịt tăng 1,1%...

Chủ tịch IFAD Gilbert F.Houngbo cảnh báo, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã là thảm họa đối với những người có liên quan trực tiếp, cũng sẽ là thảm họa đối với những người nghèo nhất thế giới sinh sống ở những vùng nông thôn. Người đứng đầu IFAD lo ngại, giá lương thực tăng sẽ làm gia tăng tình trạng nghèo đói, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định toàn cầu. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mỳ từ 30% trở lên. Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala ngày 25-3 vừa qua cảnh báo, giá lương thực tăng như hiện nay có thể dẫn tới bất ổn ở những nước nghèo. Tổng Giám đốc WTO cho rằng, thế giới cần phải lo ngại về vấn đề này và không được phép đánh giá thấp ảnh hưởng của giá lương thực và tình trạng đói nghèo trong năm nay và năm sau bởi lương thực và năng lượng là những vấn đề lớn nhất mà người dân nghèo trên thế giới quan tâm.

Các nước nghèo và những người nghèo sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu giá cả lương thực leo thang. Theo ước tính của FAO, cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn và số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022-2023.