Xuất khẩu năm 2021 có thể đạt trên 331 tỷ USD

ANTD.VN -  Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam vẫn tăng khoảng 17,2% so với năm 2020, đạt khoảng 331,1 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh, đạt hàng tỷ USD

Xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh, đạt hàng tỷ USD

Nói về kết quả hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 tại “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021” diễn ra sáng nay (15-11), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tính đến hết tháng 11 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 602 tỷ USD tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

“Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020”- ông Trần Quốc Khánh cho hay.

Hết 11 tháng có 34 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD, như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may, giày dép, gỗ, sắt thép...

Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4-2021 đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, các khó khăn này lần lượt được giải quyết và hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thông qua hình thức trực tuyến đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại.

Theo ông Vũ Bá Phú, năm 2022, các hoạt động xúc tiến thương mại tới đây sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiện Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, khu vực ASEAN, EU, Mỹ... trong đó có những thị trường ghi nhận thương mại song phương hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU, ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư Thứ Nhất/Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ liên kết thương mại song phương của hai nền kinh tế.

Tuy nhiên, thị trường 500 triệu dân của châu Âu rất có tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ. Các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu rất cao nhưng người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho ác sản phẩm chất lượng. Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội.