Xử phạt xe quá tải: Qua trạm cân chỉ hớt “ngọn”

ANTĐ - Lập trạm cân chỉ là giải pháp tình thế, đây chỉ là xử lý phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề đòi hỏi phải siết chặt quản lý Nhà nước từ quy định nhập khẩu xe siêu tải, cho đến quy định đăng kiểm, quản lý vận tải, chế tài xử phạt…

Để xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN - Bộ GTVT) triển khai kiểm tra, cân tải trọng các xe để xử phạt, từ ngày 9 đến hết ngày 28-4. Ngoài ra, đơn vị này cũng đề nghị lập 67 trạm cân lưu động để kiểm soát. Song, khó có thể dẹp tận gốc xe quá tải khi nhiều vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết.

Đã có 14 xe bị xử phạt quá tải trong 2 ngày nay

Hai ngày xử lý... 14 xe

Để ngăn chặn tình trạng xe quá tải trọng, quá khổ “băm” nát đường, Tổng cục ĐBVN đã triển khai hệ thống trạm kiểm tra trọng tải xe (trạm cân) tại Quốc lộ 5 (QL5) làm thí điểm. Tại Km 78 - Km 79 thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng trong ngày đầu xử phạt 9-4, tổ công tác liên ngành của Tổng cục ĐBVN  và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Bộ Công an) chỉ xử lý được 5 trường hợp xe chở quá tải, ngày 10-4 có 9 trường hợp. Trong khi, trung bình, có khoảng 6.000 xe container/ngày đêm lưu thông trên tuyến này. Theo Thượng tá Lưu Thanh Hiệp, Phó trưởng Phòng 6, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), những ngày vừa qua, xe trọng tải lớn chạy trên QL5 không nhiều, phần lớn là chở container rỗng. Có tình trạng này là do các doanh nghiệp (DN) vận tải đang dò xét, nghe ngóng để có… đối sách.

Thực tế đã chứng minh, trong ngày 9 và 10-4, trên QL5 gần như vắng bóng xe quá tải. Tuy nhiên, ở điểm cách chốt của tổ công tác chừng 3km, xe container xếp hàng dài, ngay trước trạm thu phí số 2 QL5. Theo tìm hiểu, các DN vận tải còn nghe ngóng vì chưa biết thực hư việc kiểm tra như thế nào, kiểm tra toàn bộ tải trọng xe hay kiểm tra trọng tải của trục. Trước thắc mắc này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, do năng lực trạm cân chưa làm được, vì vậy trong đợt này, chỉ kiểm tra tổng trọng tải xe. Trong khi đó, ông Cường tiết lộ: “Khi hàng hóa xếp lệch, tải trọng trục sẽ dồn về một phía, gây hư hỏng cầu đường hơn so với trọng tải toàn bộ xe quá tải”. Còn theo Thượng tá Lưu Thanh Hiệp, việc xử phạt xe chở quá tải mà chủ yếu là lái xe mới chỉ là phần ngọn, gốc của vấn đề chính là DN, chủ hàng thuê xe chở quá tải phá hỏng đường sá.

Xử phạt chỉ là phần ngọn

Tại Việt Nam, giai đoạn 1993 - 2003, đã xây dựng 27 trạm cân xe cố định trên 13 quốc lộ. Nhưng quy mô hoạt động của những trạm này còn nhỏ, hệ thống trang thiết bị lạc hậu, điều khiển thủ công nên việc kiểm tra phát hiện xe chở quá tải mất thời gian. “Đã xảy ra một số vụ tiêu cực do cán bộ, nhân viên lợi dụng hạn chế kỹ thuật của thiết bị, thông đồng với lái xe bỏ qua những trường hợp quá tải để trục lợi bất chính”, ông Cường cho biết.

Từ năm 2007 đến nay, Bộ GTVT đã xây dựng 2 trạm kiểm tra tải trọng xe thí điểm ở Dầu Giây (Đồng Nai) QL1 và Quảng Ninh QL18. Hai trạm này  áp dụng công nghệ hiện đại nhưng số lượng quá ít, nhiều xe đã “né” bằng cách đi vòng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát để xử lý xe quá khổ, quá tải trên đường hiện nay của lực lượng CSGT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khi phát hiện vi phạm mới chỉ xử phạt hành chính mà không đủ cơ sở vật chất để cưỡng chế hạ tải. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm vượt tải ngày càng tăng cao. 

Trong khi thực hiện Quy hoạch Trạm cân cố định mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, Tổng cục ĐBVN cho rằng, cần phải triển khai đầu tư ngay 67 bộ cân lưu động, thành lập các trạm cân xe lưu động tại các tuyến đường có lưu lượng xe tải lớn, khu vực gần các nguồn hàng như bến, cảng, công trường xây dựng, mỏ vật liệu, khu công nghiệp... Lý giải về việc đưa các trạm cân di động vào hoạt động trước, theo Tổng cục ĐBVN, các trạm cân này có thể  triển khai ngay, trong khi trạm cố định chưa đủ điều kiện về địa điểm vì phải làm các thủ tục giao đất, xây dựng hệ thống nhà cân, nhà kho dỡ tải... sẽ mất thời gian cũng như kinh phí đầu tư nhiều, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, xử lý phần ngọn, gốc rễ của vấn đề phải siết chặt từ quản lý Nhà nước như quy định nhập khẩu xe siêu tải, quy định đăng kiểm, quản lý vận tải, chế tài xử phạt...