Xử lý tranh chấp trên biển

ANTĐ - Tranh chấp cùng những hành vi gây hấn để đòi hỏi chủ quyền là "một quả bom nổ chậm" ở Biển Đông - nhân tố trung tâm cho hoà bình và an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Obama mong Quốc vương Hassanal Bolkiah giúp giảm căng thẳng ở Biển Đông

Biển Đông cùng những tranh chấp tại vùng biển chiến lược quan trọng này đang là một chủ đề "nóng" được quan tâm ở Mỹ, từ chính quyền Tổng thống Barack Obama tới giới học giả. Trong đó, tại cuộc gặp ngày 12-3 với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đang ở thăm  Washington, Tổng thống Obama đã dành nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề hoà bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Brunei đã thảo luận hàng loạt vấn đề chiến lược mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ diễn ra tại Brunei vào tháng 10 năm nay do Quốc vương Hassanal Bolkiah chủ trì trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2013. Tổng thống Obama cho biết, các hội nghị thượng đỉnh này sẽ đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải vào trọng tâm chương trình nghị sự. 

Tổng thống Obama mong Quốc vương Brunei thể hiện "vai trò lãnh đạo quan trọng" đối với các cuộc tranh chấp lãnh hải làm leo thang căng thẳng ở châu Á, nhất là ở vùng biển Biển Đông. Người đứng đầu nước Mỹ cũng hối thúc các quốc gia châu Á liên quan tới tranh chấp lãnh hải "cần tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế" nhằm tránh xảy ra xung đột.

Cùng ngày 12-3, phát biểu trong một cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ về lập trường của Trung Quốc trong vấn đề biển đảo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sự kiểm soát ra nhiều vùng lãnh hải, đồng thời cản trở các nỗ lực của khu vực trong việc giải quyết các tranh chấp.

Việc Mỹ tỏ thái độ và sự quan tâm tới những tranh chấp cùng vấn đề hoà bình và an ninh trên Biển Đông diễn ra khi nước này chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có vị trí chiến lược trọng yếu với tất cả các cường quốc trên thế giới. Song khu vực này lại đang "nổi sóng" bởi những "hành động cứng rắn" đòi chủ quyền của Trung Quốc.

Bởi thế, đánh giá tình hình và tìm giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông đã trở nội dung chủ đạo tại Hội thảo có chủ đề "Quả bom nổ chậm đã được khởi động? Đi tìm một giải pháp cho tranh chấp Biển Đông" do Hội châu Á (Mỹ) phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore tổ chức từ 13 đến 15-3 tại Mỹ. Với cách đặt vấn đề "Biển Đông là nhân tố trung tâm cho hòa bình và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương", hội thảo tiến hành phân tích, mổ xẻ "quả bom nổ chậm" ở Biển Đông cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, học giả đầu ngành đến từ Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Australia cùng đánh giá xem căng thẳng leo thang tác động tiêu cực thế nào đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Hội thảo cũng đúc rút, khuyến nghị cách thức xử lý để các va chạm hiện nay ở Biển Đông không bùng lên thành xung đột lớn hơn mang tính chất khu vực, hay thậm chí toàn cầu.