Xoa dịu mâu thuẫn sắc tộc

ANTĐ - Trong nỗ lực tạo dựng nền tảng xã hội ổn định, Thủ tướng Nga D. Medvedev vừa thông qua Chương trình Liên bang “Tăng cường sự thống nhất của dân tộc Nga và phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc Nga”.

Xung đột sắc tộc gay gắt khiến nước Nga hai lần phải 
đưa quân vào Chechnya lập lại trật tự

Được thực hiện trong giai đoạn từ  năm 2014 đến 2020, Chương trình có tổng kinh phí đầu tư 6,8 tỷ rúp (22 triệu USD) nhằm tăng cường đối thoại giữa chính quyền với các hiệp hội sắc tộc trong nước hướng tới hài hòa quan hệ giữa các dân tộc và phát triển bản sắc văn hóa đa dạng tại Nga. Mục đích của chương trình nhằm giúp Chính phủ Nga dự báo các xung đột sắc tộc và tôn giáo, từ đó giảm thiểu thiệt hại kinh tế xã hội.

Dưới thời Liên bang Xô viết, hơn 100 dân tộc anh em đã chung sức, chung lòng xây dựng một nhà nước hùng mạnh bậc nhất thế giới. Thời đó, việc định cư ở mọi nơi trên dải đất có diện tích bằng 1/6 trái đất là chuyện thường tình, thậm chí còn được khuyến khích. Khi gặp nhau, các công dân Liên Xô chỉ hỏi nhau làm nghề gì, từ đâu đến chứ không bao giờ hỏi nhau là dân tộc nào. 

Mọi chuyện đã thay đổi khi Liên Xô tan vỡ. Dưới sức ép của tình hình kinh tế khó khăn, giao thoa sắc tộc không còn gắn kết như trước. Mâu thuẫn sắc tộc bắt đầu trỗi dậy và ngày càng gay gắt. Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, mâu thuẫn sắc tộc ở Nga đã đến mức bất cứ một hành động nào cũng có thể khiến nó bùng lên. 

Đơn cử như vụ hai người Nga thiệt mạng trong vụ đánh lộn với những người đến từ Azerbaijan và Chechnya bên ngoài quán bar Seagull ở Kondopoga, một thị trấn nhỏ và yên tĩnh cách thủ đô Mátxcơva 900 km về phía bắc. Cái chết của họ đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình đầy giận dữ, nhấn chìm cả thị trấn, kéo theo hàng loạt vụ bạo lực và cướp phá. Mâu thuẫn sắc tộc thể hiện rõ qua câu nói của một thanh niên Nga 19 tuổi D. Doronin : “Họ phải xéo đi. Họ từ nơi khác đến đây và cư xử như thể những ông vua vậy”. 

Đỉnh điểm của mâu thuẫn sắc tộc là cuộc chiến ở Chechnya. Người Chechnya sống hoang dã, không có tổ chức nên họ không công nhận bất kỳ ông chủ nào và luôn chống cự lại việc phải tuân theo một ai đó. Người Nga thì lại muốn hướng mọi chuyện vào tổ chức và trật tự. Sự xung đột văn hóa khiến người Nga và Chechnya khó có thể sống chung dưới một “mái nhà”. Xung đột nổ ra khiến nước Nga phải hai lần đưa quân vào Chechnya (vào các năm 1994-1995 và 1999-2000) để lập lại trật tự. Hàng nghìn binh sĩ Nga và hàng chục nghìn thường dân Chechnya đã thiệt mạng nhưng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết. 

Khỏi phải nói những mâu thuẫn sắc tộc như vậy gây hại thế nào cho nước Nga. Tình hình an ninh chính trị không ổn định, giao thương kinh tế bị gián đoạn, và đặc biệt là hình ảnh nước Nga bị tổn hại, tạo cớ cho bên ngoài công kích vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, sắc tộc ở Nga. Ngăn chặn tình trạng bài sắc tộc, kém khoan dung; xây dựng tính thống nhất, đoàn kết các dân tộc Nga và bảo tồn được các giá trị văn hóa đa dạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiết thực. 

Theo chương trình vừa được Thủ tướng D. Medvedev thông qua, Nga đề ra nhiệm vụ củng cố vai trò của các thể chế xã hội như các tổ chức tôn giáo và văn hóa dân tộc, phổ biến kiến thức về lịch sử và văn hóa của các dân tộc sinh sống tại nước Nga. Bên cạnh đó, văn kiện cũng nhấn mạnh việc tiến hành các chiến dịch thông tin trên toàn quốc nhằm tăng cường lòng yêu nước của người dân thông qua tổ chức trại Hè “Đối thoại giữa các nền văn hóa”, dự án toàn Nga “Chiến thắng chung của chúng ta”, cuộc thi ảnh “Nền văn minh Nga”, tổ chức các triển lãm về văn hóa các dân tộc ít người tại miền Bắc, Siberi, Viễn Đông.