Xét miễn giấy phép, điều kiện với hàng nhập khẩu phải dựa trên người bán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đề xuất miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử của Bộ Tài chính dựa trên người mua được cho là chưa hợp lý.
Xem xét miễn giấy phép, điều kiện kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu nên căn cứ vào người bán

Xem xét miễn giấy phép, điều kiện kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu nên căn cứ vào người bán

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Điều 13.1.b Dự thảo quy định hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu có giá trị hải quan từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành.

Góp ý cho dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định này chưa hợp lý vì căn cứ để áp dụng hình thức miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành căn cứ trên giá trị của hàng hóa đơn chiếc, cụ thể là giá trị hàng trên 2 triệu đồng.

“Bản chất của việc miễn kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử là do giá trị của hàng hóa quá nhỏ so với chi phí kiểm tra. Nhưng thực tế, nhiều hàng hóa đơn chiếc, chẳng hạn các mặt hàng điện, điện tử tương đối nhỏ gọn để vận chuyển xuyên biên giới, nhưng lại có giá trị lớn. Khi đó, việc áp dụng kiểm tra chuyên ngành với trường hợp này là cần thiết”- VCCI nêu ý kiến.

Mặt khách, việc dự thảo căn cứ vào số lượng đơn hàng là 1 đơn/ngày và không quá 4 đơn/tháng có thể suy đoán quy định đang thiết kế để quản lý theo người mua (tại Việt Nam), và quản lý đơn hàng theo đơn vị ngày, tháng.

Theo VCCI, căn cứ này không khả thi, bởi lẽ theo quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc đơn hàng có được miễn kiểm tra chuyên ngành hay không cho người mua trước khi mua hàng. Việc này sẽ yêu cầu một cơ chế liên thông thông tin giữa tất cả các sàn.

Nếu hệ thống truy vấn không thể đáp ứng được các yêu cầu trên, quy định này sẽ gây rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp khi không thể cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng và tăng rủi ro hủy đơn, dẫn đến tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, việc áp dụng hạn ngạch nên được quản lý theo khoảng thời gian dài hơn (chẳng hạn, theo năm) hoặc quản lý đơn lẻ theo từng sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, cách quản lý theo người mua cũng chưa phù hợp với giao dịch qua biên giới qua thương mại điện tử do những đặc điểm khác biệt của hình thức này so với việc giao dịch qua biên giới truyền thống.

Cụ thể, hoạt động giao dịch thương mại điện tử qua biên giới kiểm soát được thông tin từ cả hai phía (người mua và người bán), và đặc biệt là thông tin người bán được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều (theo các quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP).

Hơn nữa, người mua trên sàn thường có xu hướng dựa vào các tiêu chí như đánh giá, số lượng mua hàng,… để lựa chọn người bán, do đó các đơn hàng thường sẽ tập trung chủ yếu vào một số lượng người bán nhất định. Các thông tin về những người bán này (tên gian hàng, thông tin người bán, thông tin gian hàng) sẽ đầy đủ và khó thay đổi.

Do vậy, VCCI cho rằng, thay vì quản lý theo người mua, cơ chế kiểm soát hạn ngạch có thể áp dụng cho người bán. Những người bán có số lượng đơn hàng trong năm thấp có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành, tương tự như cách thức quản lý với hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh. Những người bán có số lượng đơn hàng lớn có thể áp dụng việc kiểm tra chuyên ngành.