Xem lịch âm - Lịch vạn sự hôm nay ngày 1 tháng 2 năm 2023 tốt hay xấu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xem lịch âm, lịch vạn sự ngày hôm nay 1-2-2023 có gì đáng chú ý, tốt hay xấu? Hôm nay là ngày thuận lợi cho cưới hỏi, sửa chữa.

Thứ 4 ngày 1 tháng 2 năm 2023

Năm Quý Mão

Tháng Giêng (Thiếu)

Tháng Giáp Dần

Ngày Canh Dần

Giờ Bính Tý

Hành Mộc – Trực Trừ – Sao Sâm

Lập Xuân: 04/02/2023 (14/01 âm lịch) lúc 09h43’

Vũ Thuỷ: 19/02/2023 (29/01 âm lịch) lúc 05h35’

Nha Trang: Nước lớn 18g00’ – nước ròng 04g25’

Giờ Hoàng đạo: Tý (23g-01g), Sửu (01g-03g), Thìn (07g-09g), Tỵ (09g-11g), Mùi (13g-15g), Tuất (19g-21g)

Giờ hoàng đạo là giờ tốt theo phong tục.

Theo phong tục của người dân Việt Nam thì có hai loại giờ: giờ hoàng đạo và giờ hắc đạo. Giờ hoàng đạo nghĩa là giờ tốt, có thể làm được nhiều việc trọng đại như: ăn cưới, đón cô dâu, nhập học, làm tang lễ, an táng, thành hôn, giao dịch, buôn bán, giao tiếp... Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng giờ hoàng đạo được. Theo dân gian, trong mỗi ngày thì có 6 giờ hoàng đạo và 6 giờ hắc đạo. Vì vậy, giờ hoàng đạo và giờ hắc đạo được chi phối bằng nhau trong mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Người Việt Nam quan niệm rằng, trên trời sẽ có 28 vì sao chiếu mệnh là nhị thập bát tú. Trong đó có hai loại sao là sao tốt và sao xấu. Nếu giờ đó thuộc cung của sao Tốt thì có nghĩa là giờ tốt, nếu giờ đó phạm phải sao xấu sẽ giờ xấu. Tùy theo mức độ, tính chất của sao mà tốt trong mỗi lĩnh vực. Ví dụ: Sao Bích tốt trong cưới hỏi, sao Lâu tốt trong xây dựng...

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, khi khởi đầu một việc gì, ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt còn phải chọn giờ tốt. Xuất hành, khởi công xây dựng, khai trương cửa hàng, bắt đầu đi đón dâu, đưa dâu, bắt đầu lễ đưa ma, hạ huyệt, khánh thành công trình... đều phải chọn giờ hoàng đạo.

Nhưng lưu ý là có những trường hợp đặc biệt không thể máy móc chọn giờ tốt được. Ví dụ sắp đến giờ tàu, xe xuất phát, nếu đợi giờ tốt có khi nhỡ kế hoạch; hoặc có giờ tốt, ngày tốt, nhưng thời tiết rất xấu, chưa khởi công được... Nếu cứ quá câu nệ nhiều khi lại hỏng việc. Và nếu làm như thế, nó trở thành mê tín dị đoan.

Thuận cho việc: Cưới hỏi, Sửa chữa.

Cung hoàng đạo: Bảo Bình – Người mang nước (20/01-18/02): Người thuộc cung này có tài tổ chức, sáng tạo, nhân ái, nhưng hơi bảo thủ, quyết đoán, cố chấp.

*Hôm nay là ngày khai hội lễ hội Trò Trám (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ): Hằng năm, cứ vào ngày 11 - 12 tháng Giêng là đông đảo nhân dân, du khách thập phương lại nô nức tìm về miếu Trò, xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) để dự lễ hội Trò Trám. Đây là một lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt.

Toàn cảnh lễ hội Trò Trám
Toàn cảnh lễ hội Trò Trám

Ngôi miếu Trò nằm ở rìa xóm Trám. Trong miếu thờ linh vật (dân gian gọi là Nõ - Nường) của tín ngưỡng phồn thực - tín ngưỡng khởi nguyên và sơ khai của các tộc người trên trái đất, trong đó có dân tộc Việt. Theo các cụ già nơi đây kể lại thì việc thờ cặp sinh thực khí ở miếu Trò có từ thời Hùng Vương, linh vật được cất giữ cẩn thận trên khám thờ của ngôi miếu và chỉ lấy ra một lần duy nhất trong năm, vào đúng đêm “linh tinh tình phộc”. “Nõ” và “Nường” tuy chỉ là khúc gỗ được tạo thô sơ, nhưng với những người dân ở làng Tứ Xã, chúng là những linh vật. Không một ai được phép mang nó ra khỏi khám thờ nếu đó không phải là đêm 11 tháng Giêng. Từ trước đến nay, duy chỉ có ông từ và đôi nam nữ được chọn là được sờ tay vào linh vật.

Lễ hội Trò Trám có nét đặc sắc riêng biệt với phần lễ gồm những lễ tục mang tính linh thiêng, huyền bí. Phần hội có những trò - vè - hí tiếu - trêu - ghẹo - múa vui với mục đích mang lại tiếng cười cho dân trong làng. Theo tục lệ truyền thống, chiều 11 tháng Giêng dân làng mổ lợn làm lễ tế thần, diễn tích trò “Tứ dân chi nghiệp”, còn gọi là “bách nghệ khôi hài” - trò diễn xướng dân gian vui nhộn khắc họa 4 nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương); tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi, cờ tướng, chọi gà... Các cụ cao niên thực hiện nghi lễ “túc chực” chơi cờ, tổ tôm điếm, chè thuốc chờ đến giờ làm lễ mật.

Nét đặc sắc của lễ hội Trò Trám là “Lễ mật” hay còn được gọi là lễ hội “linh tinh tình phộc”. Lễ mật diễn ra lúc 12 giờ đêm, thời gian giao hòa giữa trời và đất. Sau khi các bậc cao niên làm lễ tế miếu, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô “linh tinh tình phộc” thì nam cởi trần, đóng khố cầm Nõ - tượng trưng cho sinh thực khí nam; nữ mặc váy, đeo yếm đào cầm Nường - tượng trưng cho sinh thực khí nữ, làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Nếu ba lần đâm trúng thì năm đó mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần là được mùa; một lần là làm ăn kém... Trong đêm tối, chủ tế nghe cạch đủ ba tiếng đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút thiêng, dập chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết lễ mật đã thành công. Chủ tế dẫn đầu đám trò chạy quanh miếu ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng, vừa chạy vừa hú, vừa gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ, trừ hiểm họa cả năm cho dân làng.

Nghi thức "tình phộc" trong Lễ Mật diễn ra vào lúc 0h
Nghi thức "tình phộc" trong Lễ Mật diễn ra vào lúc 0h

*Những câu nói, ngạn ngữ, châm ngôn hay, thú vị của ngày hôm nay:

“Không có lớp học dạy đời cho những người mới bắt đầu; luôn luôn bạn sẽ buộc phải ứng phó với điều khó khăn nhất ngay lập tức” (Rainer Maria Rilke)

“Rốt cuộc mục đích của cuộc đời chính là sống nó, trải nghiệm đến tận cùng, háo hức vươn ra và không bao giờ sợ hãi đón nhận những trải nghiệm mới mẻ và phong phú hơn” (Eleanor Roosevelt)

“Khi một người chết đi, anh ta nắm trong tay chỉ những gì mình đã cho đi khi còn sống” (Jean Jacques Rousseau)

Triển lãm "Cảnh vệ Công an nhân dân – 70 mùa hoa chiến công"

Ngày 31/1 tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Cảnh vệ CAND – 70 mùa hoa chiến công”, trao giải cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND” và cuộc thi viết “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam”.

Dự buổi Lễ có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ CAND.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Trần Hải Quân - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thay mặt lãnh đạo và toàn thể cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và các ban ngành, đoàn thể đã luôn tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong suốt những năm qua.

Lực lượng Cảnh vệ chính thức thành lập ngày 16/2/1953 theo Sắc lệnh số 141/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng những tổ chức tiền thân đã được ra đời từ khi Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, đặc biệt rõ nét từ khi Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1941.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được sự giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; sự tin yêu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành và nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện sự “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng. Ghi nhận thành tích đã đạt được, lực lượng Cảnh vệ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý…

Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức triển lãm “Cảnh vệ CAND – 70 mùa hoa chiến công”. Triển lãm giới thiệu hơn 200 bức ảnh, hiện vật, trong đó có nhiều hình ảnh lần đầu tiên được đưa ra trưng bày, nhằm giới thiệu khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam. Triển lãm gồm 4 nội dung: Bác Hồ với chiến sĩ Cảnh vệ; Những mùa hoa chiến công; Tiếp tục xây dựng lực lượng Cảnh vệ CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Vinh dự, tự hào lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam.Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động, ảnh nghệ thuật và các sáng tác âm nhạc, văn học về hình tượng “Người chiến sĩ Cảnh vệ CAND” của các tác giả trong và ngoài lực lượng CAND; các tác phẩm đạt thành tích cao trong cuộc thi viết “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam”.

Các vị khách tham quan triển lãm
Các vị khách tham quan triển lãm
Xe đạp cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương cục miền Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ
Xe đạp cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương cục miền Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ
Máy thu phát tín hiệu cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát, Đoàn 180 thu được khi địch thả xuống căn cứ Trung ương Cục miền Nam để thu thập tín hiệu
Máy thu phát tín hiệu cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát, Đoàn 180 thu được khi địch thả xuống căn cứ Trung ương Cục miền Nam để thu thập tín hiệu