Xe ‘‘siêu” sang ‘‘lách” thuế như thế nào?

ANTĐ - Hiện nay, có một thực tế là Việt kiều hồi hương được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với ôtô nguyên chiếc. Lợi dụng điều này, nhiều người đã “hô biến” những chiếc xe siêu sang có giá trị lớn thành xe đã qua sử dụng để “lách” thuế khiến cho số lượng hồ sơ xin phép nhập khẩu xe trong diện này bất ngờ tăng đột biến. 

Biến ô tô mới thành xe đã qua sử dụng

Theo quy định hiện hành, ôtô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương sẽ được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng nên được hưởng lợi rất lớn so với xe nhập khẩu thông thường. Chuyện này xưa chẳng mấy ai quan tâm, nhưng với nhiều chính sách thay đổi liên quan đến nhập khẩu ôtô, nhiều “đối tượng” nhanh chóng “chộp” được kẽ hở và lợi dụng để sở hữu những chiếc xe sang trọng, được nhiều người ưa chuộng với giá rẻ.

Theo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương thì số lượng hồ sơ xin phép nhập khẩu xe ôtô theo dạng này có đột biến; đặc biệt là số lượng xin cùng một chủng loại xe tăng, người làm thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu tài sản không phải là người đứng tên trên hồ sơ mà thông qua ủy quyền… Nghi vấn về sự không minh bạch trong việc nhập khẩu ôtô của Việt kiều đã được đặt ra nhằm siết chặt quản lý để không bị lọt lưới những vụ nhập khẩu các dòng xe ôtô hạng sang, đắt nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của Việt kiều khi hồi hương. 

Khoảng gần 1 năm trước, khi Thông tư 20 có hiệu lực thi hành (26-6-2011) đã khiến rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô rơi vào cảnh “chết hẳn” hoặc “ngoắc ngoải”. Để khai thông thế bế tắc, các doanh nghiệp đã chuyển hướng kinh doanh nhằm tồn tại bằng cách buôn bán xe cũ.  Tuy nhiên một “chiêu” mới cũng được các doanh nghiệp nhập khẩu “nhắm” đến là nhập xe dưới dạng Việt kiều hồi hương - đối tượng không bị các điều khoản của Thông tư 20 bó buộc như không cần giấy chứng nhận nhập khẩu chính hãng, không bị áp một số khoản thuế. Thực tế, số tiền chênh lệch do không phải chịu thuế nhập khẩu và VAT mà xe về nước theo dạng tài sản của Việt kiều hồi hương được hưởng là rất lớn so với xe đã qua sử dụng nhập khẩu thông thường và đương nhiên số tiền chênh lệch kia doanh nghiệp và người được miễn thuế sẽ ăn chia theo thỏa thuận, còn Nhà nước sẽ bị “lọt” thuế.

Chẳng hạn như siêu xe Bugatti Veyron (đời 2008) về Việt Nam theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương. Chiếc xe này xuất phát từ Mỹ có giá khoảng 800.000 USD, nếu về Việt Nam theo dạng xe đã qua sử dụng nhập khẩu thông thường, chủ sở hữu phương tiện sẽ phải chịu tiền thuế nhập khẩu ôtô chở người đã qua sử dụng có dung tích xi-lanh từ 2,5 trở lên theo nội dung Quyết định 36 của Thủ tướng với công thức: (800.000x72%) + 15.000 USD = 591.000 USD. Nếu dùng “chiêu” lách thuế đương nhiên, chủ sở hữu sẽ được hưởng không khoản tiền cực lớn này. Và việc để “làm cũ” chiếc xe này tại nước ngoài là quá đơn giản. Việt kiều chỉ việc mang con xe mới chạy chưa hết một con phố là đã thành xe “qua sử dụng”.

Có nên áp thuế?

Trước thực tế  khá nhiều xe được đưa vào Việt Nam qua con đường nêu trên dẫn đến động thái là việc Cục Hải quan TP.HCM đã có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính xem xét thu thuế nhập khẩu đối với ôtô, xe máy là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương. Theo Cục Hải quan TP.HCM việc áp thuế nhập khẩu đối với loại xe này là cần thiết nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ ôtô, xe máy nhập khẩu, tạo công bằng giữa các loại xe nhập khẩu đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo kiến nghị này chưa thay đổi chính sách đối với thuế giá trị gia tăng. 

Kiến nghị này của Cục Hải quan TP.HCM đã nhận được được luồng thông tin nhiều chiều từ dư luận, trong đó đáng quan tâm ý kiến cho rằng nước ta đang khuyến khích Việt kiều về nước tham gia đầu tư phát triển, xây dựng đất nước, như vậy không nên đánh thuế. Một ý kiến khác cũng đưa ra quan điểm cần cân nhắc đánh thuế nhập khẩu ôtô của Việt kiều hồi hương, nhưng phải chính xác, đúng người, đúng việc chứ không để các đối tượng đầu cơ “lách” thuế một cách trắng trợn. Còn trên thực tế, khi các cơ quan chức năng nhìn thấy sự không minh bạch từ việc “lợi dụng” chính sách miễn thuế nhập khẩu và VAT đối với ôtô của Việt kiều hồi hương; “mua suất” của Việt kiều… khiến không ít doanh nghiệp lo lắng, bởi nếu siết chặt quản lý từ cơ quan chức năng thì cánh cửa nhập xe theo dạng này dần khép chặt. 

Đến nay số lượng nhập ôtô vào Việt Nam đã có dấu hiệu giảm mạnh, nhưng phần lớn số xe được nhập về là xe siêu sang, đắt tiền. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng giá trị nhập khẩu ôtô trong tháng 4 (khoảng 172 triệu USD) giảm nhẹ so với tháng 3 (185 triệu USD). Tính chung trong tháng 4, Việt Nam nhập khoảng 9.000 xe, tương đương hơn 40% so với thống kê cùng kỳ năm ngoái (2011). Số lượng xe nhập nguyên chiếc giảm trên 30% xuống còn khoảng 2.000 xe… Như vậy, nếu kiến nghị này được xem xét, thông qua và áp dụng vào thực tế thì lại thêm một đường nhập xe khác bị đánh thuế, cái lợi có thể nhìn thấy ngay đó là sẽ tiếp tục làm giảm số lượng nhập ôtô vào Việt Nam. Với người kinh doanh thì thêm một cánh cửa cho việc nhập xe bị chặn đứng. Câu chuyện xe nhập đến giờ phút này chưa có hồi kết bởi các nhà kinh doanh thì không thể ngừng xoay sở tìm phương cách “lách” để tồn tại; cơ quan chức năng tiếp tục siết chặt quản lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người đích thực được hưởng quyền lợi; còn người dân thì thấp thỏm xem siêu xe, ngắm xe sang đắt tiền có còn ồ ạt xuất hiện như những gì đã diễn ra không.

Tại khoản 2, điều 3 Thông tư 118/2009/TT-BTC về điều kiện nhập khẩu ôtô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, xe ô tô đang sử dụng phải được đăng ký sử dụng ở nước định cư hoặc nước mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) trước thời điểm hoàn tất thủ tục cấp sổ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương.