Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023)

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta. Mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng đối với việc bảo đảm và tăng cường vai trò của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh có vai trò quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh có vai trò quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ

“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cách mạng chân chính, kiên cường, thực hiện sứ mệnh lịch sử đối với đất nước và dân tộc. Xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền, luôn là mối quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu tạo dựng tiền đề để thành lập Đảng, vào năm 1927, Người nhấn mạnh, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Và Người luôn nhấn mạnh những điều cốt yếu khi đề cập về vấn đề xây dựng Đảng một cách xuyên suốt và có hệ thống.

Xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đến uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng. Sự vững mạnh của Đảng là ở sức mạnh đoàn kết, nhất trí trong Đảng về quan điểm, lập trường chính trị, sự vững vàng về thế giới quan, hệ tư tưởng, về tính tổ chức kỷ luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, đồng thời phải giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn xây dựng Đảng vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì phải đặc biệt chú trọng đến việc xác định và rèn luyện đội ngũ đảng viên theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (năm 1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tư cách của một người cách mệnh lên hàng đầu, theo đó người cách mệnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ đạo chấn chỉnh những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ cương vị cao trong bộ máy chính quyền non trẻ. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17-10-1945, Người đã phê phán, răn đe, cảnh tỉnh một số căn bệnh của cán bộ nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy chính quyền các cấp, như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Đặc biệt, tháng

10-1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, lần đầu tiên Người dùng cụm từ “việc chỉnh đốn Đảng”, xác định 12 chuẩn mực về tư cách của đảng chân chính cách mạng, định danh, đúc kết, nhắc nhở: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều đó chớ quên điều nào”; nêu rõ phận sự của người đảng viên và cán bộ là: “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết... lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”; phải rèn luyện đạo đức cách mạng - nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa... Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”, vì vậy Người yêu cầu trong chỉnh đốn Đảng phải kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”.

Khi tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau năm 1954 - một sự nghiệp cách mạng chưa có tiền lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện. Trước lúc đi xa, trong di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Trong Di chúc, Người cũng đề ra những yêu cầu cơ bản về đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng, từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa sống còn

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thực sự là một chân lý, phản ánh đúng thực tiễn và đã được thực tiễn kiểm nghiệm, không phải chỉ từ thực tiễn nước ta, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, có ý nghĩa rất sâu xa đối với Đảng cũng như với mỗi đảng viên cộng sản. 93 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng đường lối đúng đắn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân, cho đất nước; bằng mối liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ, luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng.

Từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như Hội nghị Trung ương 3 khóa VII năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII năm 1999 về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay... Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Đại hội IX đang được toàn Đảng triển khai hiện nay là những việc làm thiết thực để thực hiện những di huấn của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Trong 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, qua các Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, Đảng đều ban hành các nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả của đất nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 diễn ra vào tháng 6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhấn mạnh, mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được. Ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta tin tưởng, những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân.

TTXVN

TTXVN