Xăng sinh học: Gian nan đến với người tiêu dùng

ANTĐ - Theo lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học đã được Thủ tướng phê duyệt, từ ngày 1-12-2014, loại xăng này sẽ được sản xuất, phân phối, chế biến, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ tại 5 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hàng loạt các khó khăn nảy sinh trong quá trình triển khai khiến nhiều người lo ngại, lộ trình áp dụng khó đúng hạn.

Sử dụng xăng sinh học bảo vệ môi trường và an toàn với động cơ

Vẫn còn tâm lý dè dặt

Thái Lan là nước đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng từ rất sớm so với nhiều nước trong khu vực. Bà Prissana Prakanwiwat - Viện Nghiên cứu Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT) cho rằng, khi đưa sản phẩm ra thị trường, yếu tố thành công chính là sự hợp tác giữa Chính phủ, nhà sản xuất, công ty xăng dầu, phương tiện truyền thông, nghiên cứu phát triển cộng đồng; sự chấp nhận của người tiêu dùng và giá sản phẩm. Đặc biệt, vai trò của người tiêu dùng là rất lớn bởi nếu tiêu thụ tốt sẽ thúc đẩy lại quá trình sản xuất, giải quyết bài toán “đầu ra” cho doanh nghiệp. 

Thực tế tại Việt Nam, người tiêu dùng chưa mặn mà với xăng sinh học E5 do chưa có nhiều thông tin về loại nhiên liệu mới này. “Người tiêu dùng còn tâm lý dè dặt, lo lắng khi sử dụng cho các phương tiện của mình. Đặc biệt từ cuối năm 2011, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ cháy phương tiện giao thông, một số tờ báo thông tin không rõ ràng khiến nhiều người hiểu nhầm xăng E5 là “thủ phạm” gây cháy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”- ông Lê Xuân Trình- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu (PV Oil) chia sẻ. Tuy nhiên, những nghi ngại này của người tiêu dùng chưa có căn cứ chứng minh.

Trong khi đó, kết quả thử nghiệm nhiên liệu E5 trên động cơ của TS. Phạm Hữu Tuyến và PGS. TS Lê Anh Tuấn - Viện Cơ khí động lực (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã chứng minh xăng E5 an toàn với động cơ. Thử nghiệm với xe ô tô Ford Laser Ghia 1.8, có sử dụng hệ thống phun xăng điện tử cho thấy, trung bình công suất động cơ tăng khoảng 3,31% và suất tiêu hao nhiên liệu giảm 5,18%, hàm lượng phát thải CO giảm 27,76%  so với sử dụng xăng truyền thống. Khả năng gia tốc của xe từ 0-100km nếu sử dụng xăng RON 92 là 19,1 giây thì xăng E5 là 17,2 giây.

Với xe máy, mẫu xe thử là Honda Super Dream 100cc, công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, hàm lượng phát thải và thời gian tăng tốc của xe từ 0km/h-70km/h được cải thiện. “Các kết quả thử nghiệm cho thấy, nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng được trên các động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết” - TS. Phạm Hữu Tuyến kết luận. Do vậy, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học này.

Điểm tựa cho doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia đánh giá, những khó khăn của doanh nghiệp phân phối xăng sinh học E5 đang dần được tháo gỡ. Cụ thể, sản phẩm này đã có lộ trình bắt buộc sử dụng. Theo Quyết định số 53/TTg của Chính phủ, đối với loại xăng E5, từ ngày 1-12-2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ ngày 1-12-2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.

Từ ngày 1-12-2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E10. Từ 1-12-2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10. Đây được coi là lời giải cho bài toán tồn kho cao mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay. 

Với các doanh nghiệp sản xuất, yếu tố thuận lợi lớn là quy hoạch các dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại Việt Nam đã được xây dựng, nhằm chủ động hơn với nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất. 

Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, phân phối xăng sinh học E5 cũng cho rằng, để sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi, thì một số chính sách thuế như: thuế nhập khẩu trang thiết bị, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT cần được ưu đãi. Ông Hoàng Mạnh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách thuế hiện nay đối với nhiên liệu sinh học là tương đối hoàn chỉnh, từ nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm cuối cùng. Những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được thực hiện sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cấp trên xem xét hỗ trợ hợp lý, đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học ra thị trường.

Nhiên liệu E5 là hỗn hợp gồm 5% cồn ethanol về thể tích và 95% xăng thông thường. Do cồn ethanol có trị số Octan cao hơn xăng nên nhiên liệu E5 có trị số Octan cao hơn xăng thông thường, tăng khả năng chống kích nổ của động cơ, qua đó có thể tăng tỷ số nén cao hơn nâng được hiệu quả và công suất của động cơ.

Nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Vì mục đích môi trường mà nhiều nước mặc dù không sản xuất nhiên liệu sinh học nhưng vẫn bắt buộc sử dụng. Còn tại Việt Nam, nguồn cung ethanol nhiên liệu hiện đủ cho sản xuất xăng sinh học.