Xăng dầu liên tiếp lập đỉnh, vận tải “gồng mình” tính chuyện tăng cước bù chi phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá xăng dầu một lần nữa được điều chỉnh tăng tới mức giá kỷ lục khiến vận tải vốn đã chật vật do Covid-19 nay lại càng khó khăn hơn.

Vận tải khách liên tỉnh "bất động" với giá xăng dầu

Sau liên tiếp các đợt tăng giá xăng, một số hãng taxi đã rục rịch tăng giá cước để bù chi phí xăng dầu. Trong khi đó, phần đa vẫn còn nhìn trước ngó sau để cân nhắc.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho hay, hiện nay, doanh nghiệp chưa có kế hoạch gì trước diễn biến bất lợi của giá xăng dầu.

“Chúng tôi còn đang “choáng”, chưa nghĩ ra phương án gì để đối phó với tình hình hiện nay. Theo nhận định, giá xăng dầu sẽ còn tăng trong thời gian tới, bởi vậy vận tải cũng chưa biết phải theo như thế nào”- ông Bằng cho hay.

Theo ông Bằng, hiện nay, hãng xe Sao Việt mới chỉ hoạt động lại được 30% công suất tương đương 15 chuyến/ngày.

Giá vé xe tuyến Hà Nội- Lào Cai hiện nay nhà xe Sao Việt đang bán 230.000 đồng/khách. Theo ông Bằng, mức giá này chỉ đủ trang trải nhân công, phí cầu đường và phí nhiên liệu. Còn lại khấu hao xe và lãi của doanh nghiệp là âm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng vẫn phải túc tắc hoạt động để giữ tuyến, giữ khách.

Xe khách liên tỉnh ngắc ngoải với giá xăng dầu

Xe khách liên tỉnh ngắc ngoải với giá xăng dầu

Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (chuyên tuyến Hải Phòng-Hà Nội) nhận định, với mức xăng dầu tăng “phi mã” như hiện nay, doanh nghiệp vận tải buộc phải tính đến việc tăng giá cước.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng,khó khăn nhất hiện nay là việc hành khách vẫn rất ít do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nếu tăng cước thì sẽ không có khách, trong khi giá nhiên liệu tăng gấp 2 lần.

“Vận tải khách tăng giá vé nhu cầu đi lại của khách giảm, đây là khó khăn chồng khó của doanh nghiệp vận tải khách. Hiện, hãng xe Đất Cảng mới chỉ hoạt động 50% số phương tiện nhưng lượng khách cũng chỉ đạt khoảng 30%, càng chạy càng lỗ,” ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm thông tin, mặc dù giá xăng dầu tăng cao nhưng hiện tại các nhà xe đều “án binh bất động”, giữ nguyên giá cước.

Taxi cũng tính chuyện tăng giá cước nhưng còn "nhìn nhau"

Taxi cũng tính chuyện tăng giá cước nhưng còn "nhìn nhau"

“Bản thân các nhà xe cũng chưa có phương án điều chỉnh giá vào thời điểm hiện tại do nhu cầu vận chuyển của người dân thấp, chỉ khoảng 20-25% so với thời điểm trước dịch. Mỗi ngày lượng xe ra vào bến chỉ đạt gần 200 xe so với trung bình hơn 600 xe trước đây. Để vượt khó, các nhà xe đều khẳng định sẽ tiết giảm tối đa chi phí để duy trì hoạt động và mong thị trường sớm hồi phục,” ông Tuấn thông tin thêm.

Tương tự, các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội như Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Mỹ Đình và Giáp Bát đều thông tin, chưa thấy doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh có thông báo về việc tăng giá vé. Song, các bến xe đều hoạt động trong tình trạng cầm chừng vì lượng xe ra vào bến giảm đến 2/3 so với trước kia.

Taxi công nghệ có âm thầm tăng cước?

Đối với taxi, ông Nguyễn Quốc Biên, đại diện hãng taxi Quê Lụa thừa nhận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh vận tải của hãng gặp rất nhiều khó khăn.

Lượng khách di chuyển bằng taxi giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 35-40% so với thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua khiến đơn vị đã “khó lại chồng khó.”

Mặc dù giá xăng tăng cao, ông Biên cho hay, giá cước của hãng taxi Quê Lụa được giữ ổn định trong nhiều năm qua. Từ khi giá xăng bán lẻ ở mức 16.000 đồng/lít đến nay đã tăng lên 25.000 đồng/lít nhưng các hãng taxi vẫn phải nhìn trước, ngó sau xem tín hiệu thị trường như thế nào rồi mới có phương án điều chỉnh.

Dù vậy, ông Biên cũng cho hay, hiện doanh nghiệp đang phải đắp chiếu 300 đầu xe, số còn lại hoạt động cũng kém hiệu quả. Taxi Quê Lụa đang phải tính toán lại phương án hoạt động trong bối cảnh hiện nay.

Còn với taxi công nghệ như be, Grab, Gojex hay G7 taxi dù không có thông báo tăng giá cước theo giá nhiên liệu nhưng các đơn vị điều hành ứng dụng cũng đã âm thầm tăng cước.

Anh Đặng Việt Hòa ở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội cho hay, hiện nay, giá cước taxi công nghệ tăng khá cao. Như với Grab, hãng thông báo cước 9.500 đồng/kg cộng với phí 400 đồng/phút. Do vậy, mặc dù vẫn là quãng đường di chuyển cũ, khoảng3km nếu như thời điểm trước Tết Nguyên đán cước phí của loại hình GrabCar chỉ khoảng hơn 50.000 đồng, nhưng hiện, giá cước chặng này đã được tăng lên hơn 70.000 đồng… Còn với Gocar thì quãng đường này đang có giá cước là 61.000 đồng.