Xăng dầu "đội" giá lịch sử, vận tải đường bộ đã khốn đốn càng thêm khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xăng dầu tăng giá mạnh đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là với vận tải đường bộ đang thập phần khó khăn như hiện nay.

Taxi rục rịch tính chuyện tăng giá cước

Từ ngày 11/2 vừa qua, giá xăng E5 RON 92 cao nhất là 24.570 đồng một lít (tăng 980 đồng); RON 95 là 25.320 đồng một lít (tăng 960 đồng).

Với lần điều chỉnh tăng rất mạnh lần này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng một lít với mặt hàng RON 95 và là mức cao nhất từ tháng 8/2014 đến nay. Xăng dầu tăng giá mạnh đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là với vận tải đường bộ đang thập phần khó khăn như hiện nay.

Kể từ khi vận tải đường bộ được hoạt động trở lại, không bị hạn chế tới nay thì vận tải khách vẫn trong cảnh sống thoi thóp, các bến xe rơi cảnh đìu hiu ngay cả dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trong khi đó, với taxi truyền thống và taxi công nghệ, nhiều hãng đã rơi cảnh “chết lâm sàng”.

Đại diện taxi Thành Lợi (Hà Nội) cho hay, đại dịch kéo dài, loại hình taxi trên địa bàn Hà Nội bị dừng hoạt động một thời gian dài, sau đó là hoạt động cầm chừng nhiều lái xe đã bỏ việc, về quê. Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thêm nhiều lái xe nữa cũng tìm việc khác khiến phần lớn xe của doanh nghiệp này phải nằm bãi, doanh thu sụt giảm.

Theo vị đại diện hãng taxi Thành Lợi, trong khi vận tải khách đã thập phần khó khăn do dịch bệnh thì thời gian qua, xăng dầu liên tục tăng giá khiến doanh nghiệp không thể xoay sở được.

Xăng dầu tăng giá kỷ lục khiến vận tải đường bộ càng thêm khó khăn

Xăng dầu tăng giá kỷ lục khiến vận tải đường bộ càng thêm khó khăn

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc taxi Nguyên Minh cho hay, xăng dầu chiếm 35 - 40% giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Nhiều doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng, kỳ tới xăng dầu tiếp tục tăng sẽ phải điều chỉnh giá cước.

"Dịch Covid-19 kéo dài, lượng khách và doanh thu giảm khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Vừa Tết xong, dịch vẫn còn nên khách giảm rất nhiều, nếu tăng giá vé, khách sẽ càng ít đi. Khó cho doanh nghiệp vận tải lúc này là vẫn phải oằn mình gánh các loại chi phí, không tăng giá cước sẽ không cáng đáng được. Doanh nghiệp đang “tiến thoái lưỡng nan” chưa biết chọn đường nào để tồn tại. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ phải tăng cước vé để bù chi phí", ông Minh nói.

Anh Nguyễn Đức Trung, một lái xe taxi công nghệ trên địa bàn Hà Nội tỏ ra ngao ngán: “Kể từ khi taxi công nghệ được hoạt động lại đến nay lượng khách đi lại rất ít ỏi. Đặc biệt từ Tết Nguyên đán ra, mỗi ngày tôi chỉ chạy được khoảng chục cuốc xe, còn phần lớn là ngồi chờ khách. Giờ giá xăng lại tăng mạnh thế này, không biết cước có tăng không, cước tăng thì khách còn giảm nữa”.

Trăm khoản tăng đổ đầu người dân

Với vận tải khách liên tỉnh thì càng khó khăn hơn bởi phần lớn các doanh nghiệp đều đang hoạt động cầm chừng, thậm chí không ít doanh nghiệp đã phá sản, bán xe tìm đường khác mưu sinh.

Đại diện Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân cho biết, vài tháng nay, việc hoạt động của nhà xe cũng chỉ dừng lại ở ngưỡng cầm chừng vì không có khách, nhưng lại thêm cú “shock” xăng dầu tăng kỷ lục khiến doanh nghiệp khốn đốn càng thêm khó khăn.

Theo đại diện Công ty này, giai đoạn bình thường chi phí nhiên liệu của Hà Sơn - Hải Vân khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay, khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 400 triệu đồng. Giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn thêm chồng chất. Lượng khách hiện chưa nhiều, nhưng để bù chi phí doanh nghiệp đang phải tính đến phương án tăng giá vé.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Việt Nam, chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước.

"Vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại rất thấp. Giá xăng dầu tăng, để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch", ông Quyền nói.

Khi giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán vào cơ cấu giá thành vận tải. Cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này.

"Nhà nước cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, cần xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Giải pháp này sẽ giảm tác động dây chuyền đến các lĩnh vực khác", ông Quyền đề xuất.